Về chữ "Kiệm" của Bác Hồ

09:06, 25/06/2010

Bác Hồ cuốc đất trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch.    Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ cuốc đất trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch.     Ảnh: Tư liệu
Trong các chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên dạy cán bộ và nhân dân ta, bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính được Người nhắc đến nhiều nhất.

Lần đầu tiên Người đề ra cần kiệm là năm 1925, trong bài Tư cách người cách mệnh, giảng cho các học viên lớp chính trị khoá 1 tại Quảng Châu. Có thể nói lần dặn cuối cùng về cần, kiệm, liêm, chính là trong Bản Di chúc lịch sử của Người, chính thức công bố trong Lễ truy điệu ngày 9-9-1969. Người coi cần, kiệm, liêm, chính là "bốn đức của con người". Cần, kiệm, liêm, chính cũng là những đạo đức phẩm chất của một dân tộc. Người đã từng nói: "Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ".

Người đề ra cần, kiệm, liêm, chính là nhằm mục đích cao cả "lợi cho nước cho dân", hoàn toàn khác với chữ cần, kiệm, liêm, chính dưới chế độ cũ. Người nói: "Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện, làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân". Bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính, hiểu một cách đơn giản không khó, nhưng hiểu cho đầy đủ và đúng thì không dễ, đặc biệt là chữ kiệm. Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chữ kiệm như thế nào?

"Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi". Nhắc đến tiết kiệm, Người căn dặn chúng ta phải tiết kiệm tiền bạc, của cải và thời cơ, không phải chỉ biết tiết kiệm cho mình mà phải tiết kiệm cho người khác nữa. Người nói: "Thời giờ cũng phải tiết kiệm như của cải... Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ người khác". Bởi vì: "Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được". Người nhấn mạnh: "Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm". Chúng ta cần hiểu đầy đủ về chữ kiệm của Bác nêu ra là như thế. Tìm hiểu tấm gương tiết kiệm của Người cũng phải hiểu đầy đủ như thế. Và học tấm gương tiết kiệm của Người là học tinh thần cơ bản chứ không phải học một cách máy móc.

Trong cuộc sống, Bác nêu gương tiết kiệm từng việc nhỏ: nhắc nhở và giáo dục những người phục vụ tắt đèn ngoài vườn, dù chỉ là một ngọn, khi trời đã sáng. Đồng chí Phạm Văn Đồng, một người sống gần Bác (nhà ở chỉ cách nhà sàn vài trăm mét) và rất gần gũi trong công việc, đã từng viết:

"Lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ".

Ngay cả đi nước ngoài, Bác cũng nhắc nhở tiết kiệm. Tháng 7-1957, hôm rời Ba Lan để đi thăm Cộng hoà Dân chủ Đức, lúc đi qua một căn phòng rộng với ba đèn chùm, hàng trăm ngọn điện sáng trưng khi trời đã sáng, Người nhắc đồng chí Bộ trưởng Ngoại giao gọi nhân viên phục vụ tắt đèn.

Bản thân Bác nêu gương tiết kiệm nhưng vẫn rộng rãi với mọi người, và luôn mong muốn mọi người phải được ăn ngon mặc đẹp. Mỗi lần tiếp khách nước ngoài, chúng ta đều biết Bác thường mặc bộ ka-ki quen thuộc. Nhưng trước khi bước vào phòng khách, Bác thường nhìn lại cán bộ ngoại giao và nhắc nhở quần áo phải tươm tất và phải được là phẳng phiu. Bác thường nói: Mình mặc ka-ki là việc của mình. Các chú là cán bộ ngoại giao phải chỉnh tề.

Chúng ta đều biết, từ năm 1954 đến cuối đời, Bác đi chiếc xe ô-tô nhãn hiệu Pô-bê-đa của Liên Xô sản xuất từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Năm 1960, các đồng chí cán bộ cao cấp đều được thay bằng Von-ga hiện đại hơn. Những người phục vụ Bác đề nghị Bác thay xe, Bác không đồng ý với lý do xe của Bác vẫn tốt.

Những câu chuyện trên đây chứng minh cho lời nói của Bác: "Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc" và câu nói: "Không phải chúng ta ham chuộng khổ hạnh và bần cùng". Bác đã từng phân tích: "Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh".

Câu nói đó cũng là phương châm chúng ta học tập Bác: Vận dụng chữ tiết kiệm phù hợp với điều kiện ngày nay, tiết kiệm nhưng không bủn xỉn, không hoang phí, lãng phí./.

Hồng Quang

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com