Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc ít người dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2. Ảnh: Internet |
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta một bài học lớn về nghĩa tình của người cộng sản, của người lãnh đạo đối với đồng chí, đồng bào các dân tộc thiểu số đã cưu mang giúp đỡ cách mạng khi khó khăn, khi chưa có chính quyền. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ có nhiều năm tháng sống gắn bó với đồng chí, đồng bào các dân tộc thiểu số từ đầu năm 1941 đến những năm kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài và gian khổ, ác liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thương nhớ và ghi ơn những đồng chí, đồng bào các dân tộc đã nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc. Người nhiều lần gửi thư thăm hỏi và tâm tình "Ở Hà Nội, xa cách với đồng bào nhưng không bao giờ tôi quên các đồng bào. Tôi luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng tôi ở thượng du" (xem Hồ Chí Minh toàn tập t4, tr210). Chính vì sống gắn bó trong lòng đồng bào các dân tộc ít người nên Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu và biết rất rõ những nỗi khổ đau của đồng bào các dân tộc thiểu số và Người đã dành nhiều tâm huyết nhằm giúp đồng bào vươn lên có cuộc sống khá hơn trong chế độ xã hội mới của đất nước chúng ta. Khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm công tác dân tộc và chỉ rõ: Các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay. Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn, cả về vật chất và tinh thần.
Để đoàn kết và nâng cao đời sống đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm giáo dục và huấn luyện cán bộ từ Trung ương đến địa phương phải chăm lo công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện thật tốt chính sách dân tộc của Đảng. Nói chuyện tại hội nghị cán bộ miền núi năm 1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương, chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội.
Mỗi ngành, mỗi bộ ở Trung ương cần phải nhận rõ phần trách nhiệm của mình đối với miền núi và chú trọng hơn nữa công tác ở miền núi.
Người nhấn mạnh: Nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên là phải làm gương mẫu trong mọi công tác, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc và không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào miền núi.
Tư tưởng và tấm gương vận động đồng bào các dân tộc thiểu số của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho việc xây dựng các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, là những giá trị và kiểu mẫu cho chúng ta thực hiện các chính sách dân tộc, thực thi các chương trình đối với vùng đồng bào các dân tộc.
Trong 25 năm đổi mới, với những chiến lược và kế hoạch kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện rất nhiều chương trình để phát triển toàn diện các địa bàn miền núi, miền biển là nơi có nhiều đồng bào các dân tộc ít người.
Từ Đại hội VIII của Đảng, chương trình xoá đói giảm nghèo được triển khai trên toàn quốc, trong đó tập trung rất lớn cho các tỉnh miền núi và ven biển.
Chính phủ đã xây dựng và triển khai các chương trình 133, 134, 135 và chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010) và cuối năm 2008 là Nghị quyết 30a (hỗ trợ 61 huyện nghèo)… với hàng loạt các kế hoạch về định canh, định cư và kinh tế mới, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, khuyến nông - lâm - ngư… để trợ giúp đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá 9 đã ra nghị quyết về công tác dân tộc tiếp tục khẳng định chính sách dân tộc với những nội dung cơ bản là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Hội nghị cũng đánh giá, công tác dân tộc đã đạt được những thành tựu to lớn góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.
Thực tiễn phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số những năm qua cho thấy hiệu quả các chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước đã làm thay đổi khá cơ bản các vùng dân tộc thiểu số. Đáng nói nhất là đã góp phần xoá đói, giảm nghèo, đời sống của đồng bào các dân tộc có bước cải thiện và nâng lên.
Thành quả có ý nghĩa quan trọng là sự nghiệp giáo dục, đào tạo con em đồng bào các dân tộc phát triển mạnh.
Các trường học từ mẫu giáo đến đại học được quan tâm xây dựng khắp các vùng miền có đông đồng bào dân tộc cư trú. Hệ thống các trường dân tộc nội trú và bán trú cũng được đầu tư toàn diện để chăm lo đào tạo con em đồng bào các dân tộc, hệ thống GD-ĐT cán bộ cho vùng núi, người dân tộc thiểu số phát triển đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí và bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên ở các địa bàn miền núi, dân tộc ít người.
Tuy nhiên do đặc biệt về địa lý, vùng đồng bào dân tộc ít người cư trú kinh tế - xã hội kém phát triển, tập quán canh tác lạc hậu, không ít nơi còn du canh, du cư, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá thấp kém, dân cư thưa thớt, địa bàn cư trú rộng lớn, giao thông bị chia cắt, cách trở do sông núi hiểm trở lại bị đe doạ nhiều vì thiên tai khắc nghiệt. Mặt khác, cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực khi xây dựng các nhà máy thuỷ điện và các cửa khẩu vì phải di chuyển đến nơi ở mới, các thế lực phản động và thù địch tìm mọi cách phá hoại tình đoàn kết giữa các dân tộc, chia rẽ đồng bào dân tộc với đồng bào kinh, với Đảng và Nhà nước ta…
Vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu hiện nay của công tác dân vận đối với các dân tộc thiểu số là cả hệ thống chính trị phải chăm lo và thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc và chương trình xoá đói, giảm nghèo. Công tác tuyên truyền bằng nhiều cách phổ biến, giải thích, giáo dục cho đồng bào hiểu rằng đó là công việc và quyền lợi của đồng bào để đồng bào tự nguyện, hăng hái làm cho kỳ được, chống tư tưởng ỷ lại mà đề cao tinh thần tự lực, tự cường.
Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số được tổ chức vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự kiện có ý nghĩa to lớn và là một dịp để toàn Đảng toàn dân ghi sâu những di huấn và làm theo tấm gương của Bác đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tiếp tục đổi mới chính sách dân tộc và tăng cường hơn nữa khối đoàn kết toàn dân./.
Phạm Văn Khánh