Toàn Đảng, toàn dân Việt Nam đang vui mừng kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người được nhân loại tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất. Cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật là vĩ đại, gắn liền với vận mệnh và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta từ đầu thế kỷ 20. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác chỉ mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Ham muốn tột bậc của Người là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Đúng như Chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo.
Tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác là sống, chiến đấu, lao động, học tập phấn đấu cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Với lòng yêu nước, thương dân vô hạn mà ngay khi ở tuổi đôi mươi Bác đã bất chấp mọi hiểm nguy, gian nan, khổ cực quyết chí ra nước ngoài tìm con đường cứu nước, cứu dân. Yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tiêu chí "trung với nước, hiếu với dân" mà Người coi đó là nội dung cơ bản nhất của đạo đức cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước từ Chủ tịch nước đến người phục vụ đều là công bộc của dân, phải tận tuỵ phục vụ nhân dân. Nói là làm và làm gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mọi việc làm luôn tự làm gương về đạo đức, suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, thấy rõ đạo đức là gốc của người cách mạng cho nên tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí, tâm nguyện của Người là chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bác Hồ từng nói: Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang. Theo Người, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Đảng, vì lợi ích của nhân dân. Người cán bộ, đảng viên tốt muốn trở thành người cách mạng chân chính, chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào mình thì sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chân thành khuyên bảo cán bộ, đảng viên trong việc trau dồi đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trước hết, cán bộ, đảng viên không được nói trái, làm trái nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bác Hồ cho rằng, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng. Mọi cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng.
Hồ Chí Minh coi việc rèn luyện đạo đức của người cách mạng như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong", vì đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà có. Việc bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức phải gắn liền chống chủ nghĩa cá nhân vì chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội và đạo đức cách mạng. Nhưng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Chính vì vậy mà Người cũng đưa ra các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng là tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời, nói và làm đi đôi, nêu gương đạo đức cách mạng, xây dựng đạo đức mới đi liền với chống đạo đức thủ cựu, lạc hậu, chăm lo lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên và gia đình họ... Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khái quát bốn đức cơ bản nhất của con người là cần, kiệm, liêm, chính và khẳng định: Thiếu một đức không thể thành người. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta là đạo đức, là văn minh, muốn Đảng trong sạch, vững mạnh thì mỗi đảng viên, cán bộ của Đảng phải là tấm gương về đạo đức cách mạng.
Là lãnh tụ thiên tài của Đảng và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu cho đạo đức cách mạng và đạo đức dân tộc. Người thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho đạo đức, văn minh. Người thường căn dặn: Đạo đức cách mạng là suốt đời trung thành với Đảng, với cách mạng, với nhân dân. Cán bộ, đảng viên của Đảng phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phấn đấu rèn luyện mình để xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân.
Trong 25 năm tiến hành đổi mới, Trung ương Đảng ta đã xác định nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng và phát động cuộc vận động học tập và làm theo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là các bước phát triển trong nhận thức và chỉ đạo của Đảng ta trong việc thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới.
Thực hiện Nghị quyết TW 6 (lần 2) khoá VIII, một yêu cầu lớn mà Trung ương Đảng đề ra là bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, làm cho Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện lời Bác dạy: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Ban Bí thư Trung ương khoá IX còn ra chỉ thị: Học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã nêu rõ: Việc học tập, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh cần gắn liền với bồi dưỡng, thấm nhuần đạo đức Hồ Chí Minh. Bồi dưỡng đạo đức Hồ Chí Minh là học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo đạo đức, lối sống của Người, theo tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Bác Hồ.
Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trên cơ sở giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, về lý tưởng cách mạng và đạo đức tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2010, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có nội dung quan trọng là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng là đạo đức, là văn minh. Theo đó, các cấp uỷ đảng cần có các biện pháp đưa đảng viên tham gia các hoạt động cụ thể để phát huy tính tiên phong, gương mẫu; nói đi đôi với làm; tăng cường sự đối thoại, tiếp xúc giữa cán bộ lãnh đạo ở các cấp với nhân dân để khắc phục tệ quan liêu, tăng thêm chức năng giám sát cho ngành kiểm tra và vai trò của nhân dân trong việc giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, nhất là ngăn ngừa, chống tham nhũng, lãng phí. Quy định cụ thể việc học tập lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng một cách thiết thực, hiệu quả đối với cán bộ, đảng viên trong tình hình mới và điều quan trọng nhất vẫn là xác định cho đảng viên phấn đấu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ sâu sát quần chúng, tin tưởng vào sức mạnh nhân dân, củng cố niềm tin của đảng viên vào chủ trương, đường lối của Đảng. Từ những đảng viên giữ chức vụ cao cao nhất trong Đảng đến từng chi uỷ viên, từng đảng viên phải là tấm gương cho quần chúng thì mới củng cố được niềm tin trong nhân dân. Đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải là những tấm gương tiêu biểu nhất của Đảng về đạo đức, lối sống, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, thật tự cần kiệm liêm chính chí công vô tư theo lời dạy của Bác Hồ./.
Phạm Văn Khánh