Bác Hồ - Người thầy báo chí cách mạng

03:06, 11/06/2010

 

HỒ CHỦ TỊCH TẠI ĐẠI HỘI III HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM (9-1962).  Ảnh: T.L
HỒ CHỦ TỊCH TẠI ĐẠI HỘI III HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM (9-1962).
                                                                                  Ảnh: T.L

Cách đây 85 năm, trên hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và xuất bản tờ Thanh Niên làm công cụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ những người yêu nước, dẫn dắt họ trong cuộc đấu tranh cách mạng để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Người vừa làm chủ bút, vừa làm công việc xuất bản và phát hành, quản lý tài chính của tờ báo. Trong điều kiện hoạt động cách mạng ở nước ngoài lúc bấy giờ, việc xuất bản và phát hành tờ Thanh Niên có nhiều khó khăn, tuy số lượng không nhiều, không đều kỳ và cũng chỉ hơn 80 số báo, song tờ Thanh Niên là tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ sáng lập và làm chủ bút đã làm tròn sứ mệnh là chuẩn bị về lý luận, tổ chức, tập hợp những lực lượng yêu nước và cách mạng tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiếp nối báo Thanh Niên, các tờ báo và tạp chí của Đảng ra đời làm vũ khí tuyên truyền và tổ chức lực lượng cách mạng, tổ chức và lãnh đạo toàn dân dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, góp phần làm cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến thắng lợi, thống nhất đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành sự nghiệp đổi mới. Đi qua hai thế kỷ, báo chí cách mạng Việt Nam ngày nay có hàng nghìn nhà báo chuyên nghiệp và hàng trăm ấn phẩm với các chủng loại phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống tinh thần, văn hoá, nâng cao dân trí và phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những người làm báo Việt Nam thật vinh dự và tự hào có Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo cách mạng vĩ đại và là người thầy của báo chí cách mạng.

Sự nghiệp cách mạng và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ luôn gắn với báo chí. Sinh thời Bác từng nói, Người có duyên nợ với báo chí. Ngay từ những năm tháng gian khó của cuộc hành trình tìm đường cứu nước ở nước ngoài, Bác Hồ học viết báo, học làm báo để vừa kiếm sống vừa tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân. Từ năm 1941, ngay khi về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Bác đã trực tiếp sáng lập các tờ báo và viết báo để tổ chức và giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi Đảng có chính quyền Bác viết báo phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, dùng báo chí để đưa chính trị vào giữa nhân gian, tổ chức và giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân kháng chiến, kiến quốc... Bác viết báo để phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào Tết trồng cây, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, sửa đổi lối làm việc của Đảng và chính quyền, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chăm sóc thiếu niên nhi đồng… tất cả các bài báo của Bác luôn gắn với các phong trào cách mạng, gắn với nhân dân, vì nhân dân. Đã có lần Bác nói với các nhà báo rằng, đề tài viết báo của Bác là tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với ham muốn tột bậc của Người là làm cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành. Bác đã dùng báo chí làm phương tiện đấu tranh cách mạng và phục vụ nhân dân, đoàn kết nhân dân và nhân loại để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Là người từng trải nghiệm công việc làm báo, Bác truyền lại cho các thế hệ những người làm báo Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Người thường dạy, báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức, được đào tạo nghề nghiệp tinh thông, biết ngoại ngữ... Những người làm báo cần ra sức trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với nhân dân. Bác nói với các nhà báo mà như tâm tình với bạn đồng nghiệp: Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay - thế là các bạn tiến bộ. Trái lại - là các bạn chưa thành công.

Đạo đức và sự nghiệp báo chí của Bác là tài sản tinh thần quý giá của Đảng và của nhân dân. Đội ngũ những người làm báo có vinh dự và trách nhiệm lớn được kế thừa và phát triển tài sản, sự nghiệp báo chí của Bác. Học tập và làm theo Bác, những người làm báo cần ra sức nghiên cứu đường lối chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước, đi sát cuộc sống của nhân dân, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao đạo đức và chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần tích cực trong công cuộc đổi mới, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm… xứng đáng với chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà báo là chiến sỹ trên mặt trận văn hoá, cây bút, trang giấy là vũ khí trong đấu tranh phò chính, trừ tà, phục vụ lợi ích cách mạng, phục vụ nhân dân.

Trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những người làm báo cần ra sức làm theo tinh thần và trách nhiệm phục vụ nhân dân của Người. Trước tiên là quan điểm làm báo của Bác "Mục đích viết làm gì? Viết cho ai xem". Quan điểm báo chí phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần thấm nhuần trong từng trang viết, từng bài báo, từng cái tin, cái ảnh, không chạy theo thị hiếu tầm thường và tránh thương mại hoá. Vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của đất nước những người làm báo cần suy tư, trăn trở để làm cho các ấn phẩm báo chí đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, định hướng dư luận, động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân hăng hái sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc. Đồng thời các cơ quan báo chí cũng cần có những bộ phận tiếp nhận những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để tờ báo, tạp chí thật sự là diễn đàn của nhân dân, tiếp thu sự phê bình của nhân dân, làm cầu nối Đảng với nhân dân, chính quyền với nhân dân.

Báo chí hiện nay cần học Bác trong việc tuyên truyền người tốt việc tốt góp phần giáo dục toàn dân, chăm lo xây dựng con người mới, phát triển nguồn nhân lực trong tiến trình CNH-HĐH đất nước. Thông qua tuyên truyền người tốt việc tốt, báo chí cần tham gia tích cực vào sự nghiệp trồng người, nhất là đối với cán bộ, đảng viên thì đấy còn là cách giáo dục lẫn nhau có tác dụng thiết thực như Bác dạy. Như có lần nói chuyện về làm và xuất bản sách "Người tốt, việc tốt", Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tuyên truyền người tốt việc tốt có ý nghĩa giáo dục sâu sắc với cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, muốn là cán bộ, đảng viên tốt, trước hết phải là người tốt, phải làm việc tốt, phải tự rèn luyện và phấn đấu, tu dưỡng đạo đức, phải nêu gương tốt trước quần chúng, trước nhân dân, nếu có khuyết điểm thì phải thật thà sửa chữa khuyết điểm, làm việc, công tác phải dựa vào nhân dân, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết…

Báo chí của đất nước ta hiện nay cần thật sự thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tuyên truyền người tốt việc tốt còn có ý nghĩa xây dựng con người mới, trong việc phát huy nhân tố con người để cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp. Con người là lực lượng sản xuất hàng đầu, là nhân tố quyết định nhất trong CNH-HĐH và xây dựng xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Báo chí, những người làm báo cần phải làm tốt vai trò cổ vũ, động viên những con người mới, những nhân tố mới, những tấm gương tiêu biểu trong sự nghiệp đổi mới./.

Phạm Văn Khánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com