Trong 3 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Nghị quyết 05) với tinh thần nghiêm túc, tích cực, đồng bộ, quyết tâm cao, tạo được sự chuyển biến tích cực từ nhận thức, tư tưởng đến kết quả thực hiện. Đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nghị quyết, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu trong nỗ lực cải cách hành chính, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh.
1. Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Sau khi Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt, triển khai tới các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị trong toàn tỉnh nghiêm túc thực hiện nghị quyết; ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 1-7-2016 của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020; phân công lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết. Tại phiên họp thường kỳ đầu tháng của UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên kiểm điểm kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết, kế hoạch của UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt triển khai một cách sâu rộng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh đến từng đơn vị, cán bộ, đảng viên ở cơ sở để nâng cao nhận thức và trách nhiệm đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền công vụ hiện đại của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Việc giám sát, đánh giá đôn đốc quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, kế hoạch cũng được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên tại các phiên họp thường kỳ, các cuộc họp chuyên đề của UBND tỉnh để tạo sự vào cuộc đồng bộ, thực chất giữa các sở, ban, ngành và địa phương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Các doanh nghiệp trực tiếp đề xuất, kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh hỗ trợ giải quyết vướng mắc phát sinh trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 05, toàn tỉnh đã tập trung cao cho công tác cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến và thu hút đầu tư. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 23-8-2017; Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 25-9-2018 phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành có liên quan để thực hiện những giải pháp hiệu quả trong nâng cao năng lực cạnh tranh và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo. Hàng năm UBND tỉnh trực tiếp tổ chức hội nghị đánh giá, phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số cải cách hành chính, qua đó xác định cụ thể trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các sở, ban, ngành đã phối hợp với các địa phương tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, quản lý quy hoạch; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với thực tiễn triển khai và dự báo trong thời gian tới. Đã tổng hợp kiến nghị, trình HĐND tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu đồng bộ về quy hoạch đất cụm công nghiệp, danh mục các dự án phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10ha; tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo hướng giữ nguyên đất lúa, giảm diện tích quỹ đất phi nông nghiệp sang đất công nghiệp dịch vụ để gia tăng quỹ đất cung ứng, phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung triển khai thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mở rộng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp... Các hoạt động hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp được tích cực đẩy mạnh. Tháng 7-2017, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh làm cơ quan đầu mối điều phối giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn. UBND tỉnh thành lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Tổ Công tác về kiểm tra công vụ góp phần chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, yếu kém của các đơn vị trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. UBND tỉnh tiếp tục duy trì, tổ chức đối thoại công khai với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh định kỳ ít nhất 2 lần/năm để trực tiếp lắng nghe và chỉ đạo các sở, ngành chức năng nhanh chóng giải đáp, phản hồi những kiến nghị của doanh nghiệp. Văn phòng UBND tỉnh đã thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp theo quy định. Tỉnh tăng cường trao đổi, mở rộng hợp tác quốc tế; trong đó, đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) vào tháng 6-2016 và hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc vào tháng 9-2017. Tháng 11-2018 tỉnh đã làm việc với đoàn công tác Kanagawa (Nhật Bản), đoàn công tác tỉnh Gyeongsan (Hàn Quốc). Khai trương Văn phòng đại diện Chương trình hợp tác 3 bên giữa tỉnh Nam Định, tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu tại Nam Định để thúc đẩy việc triển khai các nội dung hợp tác. Tập thể lãnh đạo tỉnh đã chủ động tìm gặp, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút, kêu gọi đầu tư.
Theo đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, với sự huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Nghị quyết 05 nên trong 3 năm qua, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị cũng như các cán bộ, công chức, viên chức thực thi công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư ngày càng được nâng lên và được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 vừa qua, ông Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết: “Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa các thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực: thuế, ngân hàng, hải quan, đất đai...; đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh đã tích cực cải thiện rõ rệt lề lối, tác phong làm việc”. Báo cáo chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018 của tỉnh đã có sự cải thiện tích cực khi đạt 87,9%, xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 18,1% và 46 bậc so với năm 2017. Điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng dần qua các năm, năm 2016 đạt 58,54 điểm; PCI năm 2017 của tỉnh đạt 61,43 điểm; PCI năm 2018 của tỉnh đạt 63,01 điểm, nằm trong nhóm khá của cả nước, tạo sự khích lệ lớn, thu hút cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa bàn tỉnh. Tổng vốn FDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn trong giai đoạn 2016-2019 đạt 97,1% chỉ tiêu thu hút FDI giai đoạn 2016-2020 đề ra tại Nghị quyết 05.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy