Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ các cấp, qua đó phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.
Ban công tác Mặt trận xóm 4 Quyết Thắng, xã Xuân Phú (Xuân Trường) triển khai nhiệm vụ giám sát trên địa bàn. |
I. Sáng tạo trong cách làm
Những năm qua, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” hoạt động giám sát và phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp và hiệu quả, được dư luận đồng tình và ủng hộ. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01 và Hướng dẫn số 02 ngày 20-7-2014 hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ giám sát tới Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố. Quý IV hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều thống nhất dự kiến chương trình giám sát của năm sau gửi xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, trên cơ sở đó thống nhất với các ban, ngành, đoàn thể để triển khai thực hiện. Trong 2 năm (2014-2015), Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp Sở LĐ-TB và XH giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã có Công văn số 783/CV-MT-BTT ngày 26-4-2014 chỉ đạo, hướng dẫn Ban thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH tham mưu cho cấp ủy, phối hợp UBND xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình tổng rà soát, thành lập ban rà soát ở cấp mình. Đồng thời phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công tới toàn thể các tầng lớp nhân dân. Đến nay, theo tổng hợp của MTTQ các huyện, thành phố toàn bộ 229/229 xã, phường, thị trấn rà soát xong. Có 38.296 người có công hưởng đúng, 23 người có công hưởng chưa đầy đủ, 15 người có công hưởng sai, 38.027 người là thân nhân người có công hưởng đúng, 64 người là thân nhân người có công hưởng chưa đầy đủ, 21 người là thân nhân người có công hưởng sai. Có 653 người đủ điều kiện nhưng chưa được xác nhận người có công. Thông qua đợt tổng rà soát đã phát huy được vai trò của MTTQ các cấp về quy trình 5 bước thực hiện tổng rà soát. Ban rà soát cấp tỉnh đã tổng hợp kết quả rà soát, chỉ đạo ngành chức năng tiến hành thanh tra, phúc tra một số đối tượng có đơn thư khiếu nại, tố cáo... Bên cạnh đó trong năm 2016, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong xây dựng NTM tại một số xã và 4 huyện: Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Qua hoạt động giám sát cho thấy các nguồn vốn huy động được từ nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân và các đơn vị tài trợ vào các dự án, chương trình mục tiêu xây dựng NTM đều được công khai, dân chủ, đầu tư đúng mục đích, quản lý chặt chẽ theo hệ thống sổ sách, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên thông qua giám sát cũng cho thấy việc thông báo công khai các hoạt động xây dựng có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt; tất cả các xã đều bố trí nơi niêm yết công khai văn bản nhưng chế độ bảo quản chưa bảo đảm, công tác chỉ đạo của chính quyền cơ sở còn thiếu kiểm tra, đôn đốc. Thực hiện việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng còn chưa thường xuyên liên tục, diện tích đất nông nghiệp còn manh mún, chưa được đồng bộ, hệ thống thủy lợi nội đồng còn nhiều khó khăn..., công tác chỉ đạo, lãnh đạo có nơi còn lúng túng. Trong năm 2017, MTTQ tỉnh đã giám sát hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cấp xã giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6-2017. Hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân tập trung vào một số lĩnh vực như: việc sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ nhà đại đoàn kết; theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; thu, chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân… Kết quả các Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát được 845 cuộc, giám sát 631 vụ việc, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền 411 ý kiến, tất cả các kiến nghị đã được giải quyết và phúc đáp trả lời. Tiêu biểu như: huyện Hải Hậu tổ chức 145 cuộc giám sát, huyện Giao Thủy tổ chức 136 cuộc giám sát, huyện Trực Ninh tổ chức 100 cuộc giám sát… MTTQ tỉnh đã chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Y tế, Văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh, Sở TN và MT tổ chức các đoàn giám sát về thực hiện tiêu chí số 17 về “Môi trường và an toàn thực phẩm” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM tại một số xã có làng nghề, có đông đồng bào theo đạo Công giáo và xã có nhiều khu chăn nuôi tập trung của 3 huyện Ý Yên, Giao Thủy, Vụ Bản. Thông qua đợt giám sát đã đánh giá thực trạng công tác triển khai tiêu chí 17 trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại khó khăn, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong triển khai xây dựng NTM, đồng thời đề ra những giải pháp thực hiện cho phù hợp… Ngoài ra, MTTQ tỉnh còn tham gia khảo sát thực hiện Luật HTX năm 2012; Giám sát việc cấp và sử dụng kinh phí của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, kinh phí đảm bảo cho MTTQ và các đoàn thể chính trị ở xã, phường, thị trấn, chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở thôn, xóm; Giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Phối hợp với Thanh tra tỉnh thống nhất ban hành Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở giai đoạn 2015-2019 và tiến hành giám sát trách nhiệm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của lãnh đạo đơn vị tại 3 huyện, 12 xã, thị trấn trong tỉnh; Phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng “Chương trình phối hợp góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”; Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Sở Công thương, Sở NN và PTNT thực hiện chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; Phối hợp với LĐLĐ tỉnh và một số ngành chức năng tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội và Quy chế dân chủ ở cơ sở tại 9 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Qua triển khai thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị, hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ các cấp trong tỉnh đã thu được một số kết quả nhất định, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Huỳnh