Phát huy vai trò tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp (kỳ 2)

08:09, 17/09/2018

(Tiếp theo và hết)

II. Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành các văn bản quy định như: Quy định số 96-QĐ/TW ngày 22-3-2004 về doanh nghiệp có vốn Nhà nước liên doanh với nước ngoài; Quy định số 99-QĐ/TW ngày 4-6-2004 về doanh nghiệp tư nhân; Quy định số 100-QĐ/TW ngày 4-6-2004 về Cty CP có vốn Nhà nước... Để tăng cường công tác xây dựng Đảng, các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân, Cty TNHH, Cty CP và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”. Nội dung của các văn bản trên quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng tại các loại hình doanh nghiệp, mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở Đảng với bộ máy quản lý của doanh nghiệp. Tuỳ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng cơ sở có quy định khác nhau nhưng tập trung vào một số nhiệm vụ: Lãnh đạo công tác tư tưởng, lãnh đạo các đoàn thể quần chúng tại doanh nghiệp, chỉ đạo nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội... Đây chính là cơ sở để tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp phát huy vai trò lãnh đạo, đoàn kết người lao động trong doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đúng pháp luật, tăng cường đoàn kết giữa chủ sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các Đảng bộ, chi bộ đã tích cực triển khai thực hiện. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng nâng cao, ý thức, trách nhiệm về nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp có sự chuyển biến tích cực. Nhiều cấp ủy, chi bộ, tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh đã phát huy vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, hội viên và tuyên truyền, thuyết phục chủ doanh nghiệp chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã phát huy vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh; các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước và thu nhập bình quân của người lao động đều tăng. Thực tiễn cho thấy các tổ chức cơ sở Đảng đã phát huy được vai trò và đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp. Các cấp ủy Đảng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân viên, người lao động và các thành viên trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo đảm điều tiết hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cty CP May Nam Hà 3 năm liền được đứng trong bảng xếp hạng Giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động”.  Bài
Cty CP May Nam Hà 3 năm liền được đứng trong bảng xếp hạng Giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động”. Bài

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, một số cấp ủy Đảng trong các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng; việc triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng còn chậm và mang tính hình thức. Nội dung và hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú. Một số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp còn lúng túng về phương thức hoạt động; nền nếp, chất lượng sinh hoạt cấp uỷ và chi bộ chưa đều; chưa có chương trình công tác lãnh đạo các đoàn thể trong doanh nghiệp. Một số hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự thể hiện sự năng động, sáng tạo, bắt nhịp với hoạt động của doanh nghiệp nên chưa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Do vậy nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn tâm lý băn khoăn, cho rằng việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa thực sự ủng hộ, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Trong 10 năm từ năm 2008-2017, các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ tỉnh chỉ thành lập mới được 88 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước; tạo nguồn, phát triển được 538 đảng viên.

Để tiếp tục phát huy vai trò tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; qua đó vận động chủ doanh nghiệp, đảng viên thành lập tổ chức Đảng và hoạt động theo quy định, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chất lượng của đội ngũ cấp ủy viên. Trong đó các tổ chức Đảng cần xây dựng phương thức hoạt động phù hợp, hiệu quả gắn với sự phát triển doanh nghiệp; đồng thời chú trọng công tác phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp, tạo tiền đề cho công tác phát triển đảng viên và tổ chức Đảng. Cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng phải thực sự coi trọng nhân tố “đoàn kết là sức mạnh”, phát huy sức mạnh tập thể, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; chỉ đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên phát huy sức mạnh nòng cốt trong phát động và triển khai các phong trào thi đua cụ thể gắn với các hoạt động của đơn vị ở từng thời điểm. Từ đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ đảng viên, công nhân viên chức và người lao động với doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc bình đẳng trong toàn đơn vị nhằm phát huy hết tâm huyết và khả năng của từng cá nhân đối với công việc được phân công. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thông tin đầy đủ tình hình hoạt động của doanh nghiệp tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên và người lao động, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Thực hiện nền nếp và có chất lượng công tác đánh giá và phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hằng năm. Duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ và cấp ủy theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, quy định của cấp trên. Chú trọng làm tốt công tác quản lý, phân công công tác cho đảng viên, tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho đảng viên.

Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp định hướng tư tưởng chính trị cho doanh nghiệp phát triển. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào có tổ chức Đảng thì các tổ chức đoàn thể cũng hoạt động tốt hơn, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, người lao động yên tâm, phấn khởi làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Bởi vậy việc xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp cần được các cấp uỷ Đảng tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com