(Tiếp theo kỳ trước)
II - Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Sau 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã khẳng định Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) là chủ trương đúng đắn, toàn diện của Ðảng đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ðối với tỉnh ta, các nội dung của Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác động tích cực trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM).
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ðoàn Hồng Phong: Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ngay sau khi BCH Trung ương ban hành Nghị quyết số 26, BCH Ðảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU) của nhiều khóa đã ban hành kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết như: Kế hoạch số 55-KH/TU ngày 10-9-2008 của Ban TVTU; BCH Ðảng bộ tỉnh khoá XVII ban hành Chương trình hành động số 23-CT/TU ngày 30-9-2008 về triển khai thực hiện Nghị quyết theo chỉ đạo của Trung ương. BCH Ðảng bộ tỉnh khoá XVIII nhiệm kỳ 2010-2015 đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa liên quan lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, trong đó có Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Ðịnh giai đoạn 2014-2020. Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 8-11-2010 về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 19-9-2011 về việc tiếp tục dồn điền đổi thửa (DÐÐT) trong sản xuất nông nghiệp. BCH Ðảng bộ tỉnh khoá XIX nhiệm kỳ 2015-2020 đã ban hành 5 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM; trong đó, có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-4-2016 về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Tỉnh đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 tới cán bộ chủ chốt của tỉnh; chỉ đạo Ban Thường vụ các huyện uỷ, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc tổ chức nghiên cứu, học tập Nghị quyết ở cấp mình và hướng dẫn các tổ chức cơ sở Ðảng học tập nghị quyết theo đúng yêu cầu, nội dung và thời gian quy định. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ thực tế của địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân. Công tác học tập, quán triệt Nghị quyết đã được các cấp ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, được cán bộ, đảng viên quan tâm tham gia học tập và thảo luận nghiêm túc, nhất là trong tổ chức cơ sở Ðảng, nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự nghiệp CNH-HÐH đất nước, về 4 quan điểm chỉ đạo, 6 mục tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 và những nội dung lớn trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy.
Sản phẩm máy xây dựng của Cty TNHH Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy). |
Trong 10 năm, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là đối với chương trình xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. HÐND tỉnh đã ban hành 6 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. UBND tỉnh đã ban hành 39 kế hoạch nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cùng các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện quyết liệt chương trình xây dựng NTM và đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Xây dựng lộ trình, kế hoạch, bước đi phù hợp cho từng giai đoạn xây dựng NTM. Chỉ đạo rà soát, lập mới, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy hải sản; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; quy định mức hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng NTM. Tỉnh uỷ, HÐND và UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; kịp thời phát hiện và chỉ đạo tháo gỡ, xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc. Phát động liên tục, sâu rộng phong trào thi đua “chung sức xây dựng NTM” lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp, các ngành và toàn xã hội tập trung thực hiện, đảm bảo chương trình xây dựng NTM là nội dung trọng tâm để thực hiện nghị quyết “tam nông”.
Với việc chọn đúng khâu đột phá để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM là DÐÐT đã tạo điều kiện để tỉnh chỉ đạo thực hiện việc đổi mới mô hình tổ chức sản xuất và xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa với quy mô lớn. Ðặc biệt, vấn đề hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, nổi bật là chương trình hợp tác với tỉnh Mi-y-a-gia-ki (Nhật Bản) để ứng dụng công nghệ Nhật vào sản xuất rau, củ, quả sạch, an toàn. Ðồng chí Nguyễn Mạnh Hiền, TUV, Bí thư Huyện ủy Trực Ninh cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Trực Ninh xác định lấy phát triển công nghiệp là khâu đột phá tạo bước phát triển nhanh cho kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp để tạo sự phát triển ổn định và bền vững. Từ đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn sớm hoàn thành DÐÐT từ năm 2012, tổ chức chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Ðặc biệt, đã vận động được nhân dân cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp tạo ra các vùng đồng ruộng quy mô lớn để hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như: Cty TNHH Cường Tân thuê 290ha đất để sản xuất lúa giống, ngô, rau sạch; Cty TNHH Chăn nuôi Phúc Hải thuê 6,7ha xây dựng trang trại sản xuất lợn giống; Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh thuê 9,5ha sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn VietGAP… Ðồng thời có mặt bằng thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư quy mô lớn như: Cty May 9, Cty May 1 Nam Ðịnh; Cty TNHH Minh Tiến, Cty Giày Amara Việt Nam, Cty Sung Won Vina… tạo việc làm, chuyển dịch mạnh lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Từ một xã có xuất phát điểm thấp, dự kiến về đích vào năm 2018, song với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Ðảng và toàn dân, xã Nam Thắng (Nam Trực) đã về đích NTM trước 2 năm. Ðồng chí Bùi Quang Thược, Bí thư Ðảng ủy xã cho biết: Ðảng ủy xã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, cũng là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, xóm. Xã đã thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng quyền lợi”; làm NTM đi từ các khu dân cư đến các công trình của xã. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xã đã huy động nhân dân đóng góp cao nhất là 4 triệu đồng/khẩu, thấp nhất là 2,5 triệu đồng/khẩu để có nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Ðặc biệt, trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ địa phương đã được củng cố, tăng cường trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ðoàn Hồng Phong, các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh ban hành phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương nên đã đem lại những kết quả rất tích cực; nhất là tạo sự chuyển biến về nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở và phát huy cao nhất vai trò chủ thể của người dân. Do vậy đã tạo ra sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân cùng với việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để khai thác tối đa nhân tài, vật lực cho việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X)./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Ngọc Ánh