Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (kỳ 1)

07:08, 07/08/2018

Trong 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị BCH Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết tam nông) với tinh thần nghiêm túc, tích cực, đồng bộ, quyết tâm cao, tạo được sự chuyển biến tích cực từ nhận thức, tư tưởng đến kết quả thực tiễn. Đã hình thành và xác định được bước đi, cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh nên có được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo nhân dân thông qua các chương trình hành động, phong trào quần chúng sôi nổi. Huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các nguồn lực để thực hiện Nghị quyết. “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của tỉnh tạo được những dấu ấn chuyển biến rõ nét, kinh tế - xã hội khởi sắc, diện mạo nông thôn thay đổi…

I - Nông thôn phát triển toàn diện

Báo cáo của tỉnh đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông” khẳng định, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng. Cùng với việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với bảo đảm truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được củng cố, hoàn thiện.

Diện mạo đô thị hoá ở Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).
Diện mạo đô thị hoá ở Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).

Ðồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong bối cảnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các nông sản của tỉnh phải cạnh tranh quyết liệt với nông sản nhập khẩu và của các địa phương khác… Ðể đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, kinh tế nông nghiệp tỉnh ta đã và đang chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Năm 2017, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chiếm 71,63%, giảm 13,89% so với năm 2008. Trong đó trồng trọt chiếm 49,31%, giảm 12,45%; chăn nuôi 41,26%, tăng 6,44%; thủy sản chiếm 28,18%, tăng 14,16% so với năm 2008. Trồng trọt chuyển trọng tâm sản xuất từ coi trọng số lượng, sản lượng sang chất lượng. Tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao tăng từ 20% diện tích (năm 2008) lên 71,5% diện tích (năm 2017); hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10%; quá trình sản xuất, nhất là các khâu gieo cấy và thu hoạch được cơ giới hóa mạnh mẽ đã tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sản xuất. Sản xuất nông sản quy mô hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng theo chuỗi được coi trọng. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2017 gấp 1,5 lần so với năm 2008. Toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 151 cánh đồng lớn ổn định với quy mô từ 30ha trở lên, trong đó có 68 cánh đồng liên kết chuỗi giá trị giữa hộ nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 15-20%. Ðã chuyển đổi được 6.556ha đất trồng lúa không hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2-10 lần như: trồng cây dược liệu ở Hải Hậu; sản xuất rau an toàn ở Ý Yên, Cty CP Ngọc Anh (Trực Ninh)… Ngành chăn nuôi của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hằng năm tăng nhanh, năm 2017 đạt hơn 175 nghìn tấn, tăng 61,1% so với năm 2008. Toàn tỉnh hiện có 313 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới, giá trị sản lượng hàng hóa năm 2017 ước đạt 487 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 250 triệu đồng/trang trại. Kinh tế thủy sản tăng trưởng bình quân 7-8%/năm; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Sản lượng thủy sản năm 2017 đạt 138,4 nghìn tấn, tăng 82% so với năm 2008, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 90,1 nghìn tấn, khai thác đạt 48,3 nghìn tấn. Liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân được tăng cường nhằm thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Cty TNHH Toản Xuân với quy mô trên 1.000ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống của Cty TNHH Cường Tân với quy mô trên 500ha; chuỗi sản xuất chế biến ngao sạch xuất khẩu của Tập đoàn Thủy sản Lenger… Sản xuất CN-TTCN, ngành nghề và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả khá, góp phần tích cực giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp. Cùng với duy trì, phát triển các nghề truyền thống sẵn có, nhiều địa phương đã phát triển một số nghề mới như: may công nghiệp, mây tre đan, tranh thêu, mộc mỹ nghệ, móc sợi, thúc dát đồng... Kết quả phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Thu nhập người dân khu vực nông thôn năm 2017 gấp 3,5 lần so với năm 2008, mức độ chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp, năm 2017 là 1,44 lần, giảm 0,29 lần so với 2008. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn liên tục giảm qua các năm; năm 2010 là 9,95% nhưng đến năm 2017 chỉ còn 2,91%. Ý thức, nhận thức chính trị - xã hội, pháp luật, trình độ sản xuất và tổ chức đời sống của người nông dân được nâng cao hơn. Tổ chức Hội Nông dân các cấp thu hút được đông đảo nông dân tham gia, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng tập hợp, đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.

Với 95,7% số xã và 5/10 huyện đạt chuẩn NTM, tỉnh ta trở thành điểm sáng, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Bằng nhiều giải pháp, toàn tỉnh đã huy động được trên 18 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm gần 30%, còn lại hơn 70% là từ nguồn xã hội hóa, mà chủ yếu là sự đóng góp sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân đầu tư toàn diện để xây dựng NTM đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tỉnh đặc biệt coi trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông từ tỉnh tới huyện, xã và thôn xóm, đến nay đã cơ bản hoàn thiện đảm bảo kết nối tương đối hài hòa các hệ thống, cấp đường, thuận lợi cho lưu thông. Nam Ðịnh là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành sớm nhất việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Ðiện quản lý và nhờ đó được đầu tư nâng công suất gấp đôi so với các địa phương lân cận đáp ứng tốt yêu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với phát triển hệ thống giao thông, lưới điện nông thôn, tỉnh tập trung đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 18.527 công trình thủy lợi và kiên cố hóa 710km kênh mương các loại; 852 trường, 6.899 phòng học các cấp; nâng cấp, xây mới, đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh cho 10 bệnh viện, 10 trung tâm y tế huyện, thành phố, 151 trạm y tế xã; 116 nhà văn hóa xã, trên 1.000 nhà văn hóa thôn/xóm, 1.231 sân thể thao thôn/xóm. Cơ bản các hộ dân ở nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh và gần 70% được dùng nước sạch; 4/10 huyện, thành phố là Mỹ Lộc, Vụ Bản, Xuân Trường và các xã ngoại thành Nam Ðịnh có 100% hộ dân được dùng nước sạch. Diện mạo nông thôn hiện đại sáng - xanh - sạch - đẹp từng bước được định hình và phát triển. Dịch vụ thương mại hiện đại được quan tâm phát triển với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ở các trung tâm thị trấn, thị tứ được đầu tư như: Country Mart, Lan Chi Mart tại các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy tạo thuận lợi cho người dân, kích cầu tiêu dùng ở nông thôn, gián tiếp thúc đẩy sản xuất phát triển. Ðiều kiện sống và làm việc của người dân nông thôn tốt hơn. Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được kịp thời thực hiện. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy; các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển rộng khắp; ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và phát huy. Hệ thống chính trị, bộ máy tổ chức Ðảng, chính quyền, đoàn thể các cấp được củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, dân chủ ở cơ sở được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo được đảm bảo.

Ðánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết “tam nông” ở Nam Ðịnh, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Từ thực tế ở Nam Ðịnh và các địa phương trong cả nước có thể khẳng định, Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Ðảng (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” là hợp lòng dân, tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. 10 năm qua, nông thôn Nam Ðịnh đã “thay da đổi thịt” mạnh mẽ và đang tiếp cận đến nông thôn phát triển ở trình độ cao hơn…

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com