Khơi sức dân từ phong trào thi đua "Dân vận khéo" (kỳ 3)

08:05, 16/05/2018

[links()]

(Tiếp theo và hết)

III - Kết quả và giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào

Đến nay đã có hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” được nhân rộng, tiêu biểu như mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn; góp đất làm đường giao thông nông thôn; giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM; xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, cơ quan có nếp sống văn hoá; xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu; khuyến học, khuyến tài; tự quản, tự phòng, tự bảo vệ… Đồng chí Cao Xuân Hùng, TUV, Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Các mô hình “Dân vận khéo” của ngành GD và ĐT được triển khai thời gian qua đều xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành cũng như những khó khăn, yếu kém ở từng cơ sở giáo dục. Bởi vậy, hầu hết mô hình, điển hình đều được cán bộ, giáo viên đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Trong nhiều năm qua, từ việc nhân rộng và thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực cho toàn ngành thực hiện phong trào thi đua “Hai tốt”; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về GD và ĐT; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo; qua đó giúp ngành GD và ĐT tỉnh đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2017 là năm thứ 23 liên tục ngành GD và ĐT tỉnh được Bộ GD và ĐT tặng Cờ thi đua “Đơn vị tiêu biểu xuất sắc”, trong tốp đầu toàn quốc. Năm học 2016-2017, tỉnh ta tiếp tục đạt thành tích, thứ hạng cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế; tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đoàn Nam Định tiếp tục đứng trong tốp đầu toàn quốc về tỷ lệ thí sinh đạt giải. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia tỉnh ta có 99,53% học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT, điểm bình quân thi THPT quốc gia, điểm bình quân theo các khối thi đại học A, B, D của tỉnh cao nhất toàn quốc...

Cô, trò Trường Mầm non xã Liên Minh (Vụ Bản) trong giờ ra chơi.
Cô, trò Trường Mầm non xã Liên Minh (Vụ Bản) trong giờ ra chơi.

Sau hơn 7 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng, làm chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh, góp phần thiết thực vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động nội lực trong nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của tỉnh đạt 7%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông, lâm, thuỷ sản chiếm 21,5%; công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 76%. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, đào tạo lao động và giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, công tác an sinh xã hội đều triển khai thực hiện tốt; quốc phòng - an ninh được đảm bảo; phong trào thi đua xây dựng NTM đạt được kết quả nổi bật; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) được đẩy mạnh và chuyển biến rõ rệt; chính trị - xã hội ổn định. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa nắm chắc các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo” nên còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Chất lượng phong trào có nơi còn chung chung, chưa sát với thực tế nên hiệu quả thực hiện chưa cao. Sự phối hợp giữa ban dân vận các cấp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn hạn chế…

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Bài học kinh nghiệm rút ra từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” là phong trào chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chính quyền vào cuộc chỉ đạo; do đó cần tập trung nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, cho cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới. Định hướng rõ nội dung trọng tâm của phong trào thi đua “Dân vận khéo” từng giai đoạn cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ban Dân vận các cấp căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của cơ sở, của nhân dân để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy ban hành những chủ trương, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; đề xuất cơ chế chính sách để nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả thực tiễn. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói chung, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” nói riêng chỉ đạt hiệu quả khi phong trào, mô hình, điển hình đó gắn kết được lợi ích chính đáng, thiết thực của tổ chức, cá nhân. Xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chỉ đạo của cấp uỷ Đảng với hoạt động, quản lý điều hành của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sự đồng thuận. Lựa chọn các mô hình, điển hình phù hợp với nhu cầu của nhân dân, thực tiễn của địa phương, đơn vị, có tính bền vững và tạo sức lan toả, làm điểm, rút kinh nghiệm sau đó nhân ra diện rộng. Cán bộ gương mẫu làm trước để dân thấy hiệu quả làm theo. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; tiến hành tốt công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng để kịp thời biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đồng thời đúc kết kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các điển hình trong nhân dân. Tuy nhiên, việc biểu dương, khen thưởng đôi khi không nhất thiết phải đến kỳ sơ, tổng kết mà cần tiến hành thường xuyên, liên tục. Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng, có sức lan tỏa và bền vững, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả thực tiễn đã được các cấp, các ngành xây dựng và công nhận; đồng thời chỉ đạo, phát động các cấp, các ngành và nhân dân nghiên cứu, xây dựng các mô hình, điền hình mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; các lĩnh vực khó cần chỉ đạo làm điểm, rút kinh nghiệm sau đó mới nhân rộng. Trên cơ sở thực tiễn hoạt động, ban dân vận các cấp chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; bổ sung tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn, từng cấp, từng ngành. Chú trọng nghiên cứu, tổng hợp và phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com