[links()]
(Tiếp theo và hết)
IV : Những khó khăn cần tháo gỡ
Bên cạnh kết quả đạt được, qua hơn 10 năm thực hiện Quy định 15, tỷ lệ đảng viên làm kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh còn thấp (chiếm khoảng 2,6% đảng viên toàn tỉnh). Tổ chức Đảng trong một số doanh nghiệp hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; phần lớn là lao động phổ thông, hợp đồng lao động thường ngắn hạn hoặc theo mùa vụ; trình độ tay nghề thấp, đa phần chưa qua đào tạo... Chi bộ HTX Vận tải CP Mùa Xuân (thuộc Đảng bộ Thành phố Nam Định) 2 năm liên tục xếp loại yếu kém (năm 2015, 2016). Chi bộ có 15 đảng viên chính thức, 43 xã viên với 26 tàu vận tải hàng hóa, đường thủy nội địa, sửa chữa, đóng mới phương tiện. Những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX gặp nhiều khó khăn, việc làm của cán bộ, xã viên không ổn định, đảng viên phân tán, nhất là các đảng viên của các tàu vận tải không phụ thuộc kế hoạch hoạt động của HTX ít về sinh hoạt nên hoạt động của chi bộ gặp nhiều khó khăn. Đến tháng 6-2017, HTX nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên 40 triệu đồng; nợ thuế hơn 22 triệu đồng. Việc chấp hành nguyên tắc sinh hoạt Đảng của chi bộ còn nhiều khuyết điểm, tồn tại. Trong thời gian qua, chi bộ không duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, chi bộ chưa nghiêm túc chấp hành văn bản chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác của Thành ủy Nam Định. Hằng năm, chi bộ không xây dựng chương trình nhiệm vụ công tác, không ban hành nghị quyết lãnh đạo và triển khai nhiệm vụ chính trị của đơn vị; chưa thực hiện nghiêm túc Quy định 76 của Bộ Chính trị về đảng viên đang công tác về giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc chi bộ 2 năm liền xếp loại yếu kém.
Anh Đinh Văn Thuận (ngoài cùng bên trái) xã Hải Đông (Hải Hậu), đảng viên trẻ, gốc giáo, chủ trang trại chuyên trồng cây dược liệu; trên diện tích 2,3ha trồng đinh lăng, mỗi năm trừ chi phí, thu lãi trên 800 triệu đồng. |
Đảng bộ huyện Trực Ninh có 12 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thuộc khối kinh tế tư nhân với 103 đảng viên và 250 đảng viên tham gia kinh tế hộ gia đình cá thể, tiểu chủ. Đồng chí Bùi Đức Ngọc, Phó Bí thư Huyện ủy Trực Ninh cho biết: Các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân hoạt động quy mô nhỏ, khó khăn về nguồn vốn, sức cạnh tranh yếu. Những năm gần đây, số lượng tổ chức Đảng, đảng viên trong chi bộ doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện có xu hướng giảm do phải giải thể tổ chức Đảng khi không đủ số lượng đảng viên theo quy định; cấp ủy Đảng không phát huy được tác dụng, vị trí, vai trò thực hiện nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2010 có 16 tổ chức cơ sở Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân với 140 đảng viên; năm 2013 còn 14 tổ chức cơ sở Đảng doanh nghiệp tư nhân với 135 đảng viên; đến tháng 6-2017, toàn huyện chỉ còn 12 tổ chức cơ sở Đảng khu vực kinh tế tư nhân với 103 đảng viên. Thực tế các tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện chủ yếu tham gia chỉ đạo hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng. Công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên chưa làm thường xuyên. Kết quả đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng hằng năm ở các doanh nghiệp tư nhân không cao.
Qua thực tế hơn 10 năm thực hiện Quy định 15 cho thấy, so với trên 6.000 doanh nghiệp tư nhân hiện có thì con số 106 tổ chức cơ sở Đảng đã được thành lập quả là còn quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân thời gian đầu chưa đầy đủ. Có ý kiến cho rằng đảng viên làm chủ doanh nghiệp, thuê lao động để sản xuất, kinh doanh là mang tính bóc lột, là chạy theo đường lối tư bản, do đó một số đảng viên chưa mạnh dạn đầu tư làm kinh tế tư nhân. Vì vậy, một bộ phận đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan trong lực lượng vũ trang đương chức góp vốn vào Cty CP, Cty TNHH nhưng không đứng tên chủ sở hữu góp vốn hoặc mượn danh nghĩa người khác để mua nhà hàng, khách sạn, thành lập Cty tư nhân, thuê đất lâu dài để đầu tư sản xuất, kinh doanh… nên tổ chức Đảng không có sự giám sát, quản lý đảng viên làm kinh tế tư nhân.
Hiện nay có một số doanh nghiệp tư nhân có đảng viên làm chủ hoặc tham gia quản lý nhưng lại có ít đảng viên (dưới 3 đảng viên chính thức) không đủ điều kiện để thành lập tổ chức Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng; đảng viên phải sinh hoạt ghép hoặc sinh hoạt ở nơi cư trú đã ảnh hưởng đến vai trò của người đảng viên trong doanh nghiệp và khó khăn trong việc đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm. Một số doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng nhưng không muốn trực thuộc cấp uỷ cơ sở địa phương; một số doanh nghiệp có tổ chức Đảng, song phương thức hoạt động của tổ chức Đảng chưa phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp; vai trò của cấp uỷ, đảng viên còn hạn chế… Một số chủ doanh nghiệp tư nhân trong đó có chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên chưa quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; chưa quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên. Phần lớn đảng viên làm kinh tế tư nhân do vốn ít nên khi thành lập doanh nghiệp tư nhân đều ở quy mô nhỏ lẻ, hoạt động theo tính chất gia đình, số lượng lao động ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ sản xuất yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu. Công tác quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Quy định 15 ở một số cấp uỷ, tổ chức Đảng còn hạn chế, chưa thật sự sâu rộng. Tỷ lệ đảng viên tham gia làm kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, số lượng doanh nghiệp có tổ chức Đảng còn thấp so với số lượng doanh nghiệp tư nhân hiện có trên địa bàn tỉnh. Công tác hướng dẫn, quản lý đảng viên làm kinh tế tư nhân một số nơi còn lúng túng: Phần lớn các doanh nghiệp do đảng viên làm chủ hoặc đảng viên là người làm công trong các doanh nghiệp tư nhân chưa có tổ chức Đảng nên việc sinh hoạt Đảng của đảng viên gặp khó khăn, khó quản lý (sinh hoạt nơi cư trú). Đồng chí Nguyễn Như Hà, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Việc phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay còn khó khăn bất cập; có nơi chủ doanh nghiệp không đồng ý, lo ngại bị chia sẻ quyền lực. Có nơi chủ doanh nghiệp đồng ý, song các đảng viên không muốn chuyển sinh hoạt Đảng về doanh nghiệp, chưa tin vào vai trò của tổ chức Đảng, chưa biết tổ chức Đảng sẽ làm được gì trong điều kiện quyền điều hành hoàn toàn thuộc về chủ doanh nghiệp. Có nơi chủ doanh nghiệp và đảng viên đồng ý, song lại không đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ. Một số quần chúng trẻ tuổi, có năng lực, trình độ nhưng chưa có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Việc nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đảng trong doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn về thời gian sinh hoạt, học tập, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, kinh phí chi cho hoạt động của tổ chức Đảng...
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra chủ trương khuyến khích đảng viên làm kinh tế tư nhân, tiếp đến Đại hội Đảng lần thứ X, XI chủ trương thực hiện kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Điều đó đã khẳng định Đảng ta rất quan tâm đến công tác phát triển, mở rộng tổ chức cơ sở Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân, đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp này. Đồng chí Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Qua hơn 10 năm triển khai Quy định số 15, các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 15 đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; xác định đúng đối tượng chính để tập trung tuyên truyền, chỉ đạo, nhất là những đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Quy định 15, có 5 vấn đề đặt ra từ thực tiễn cần được tập trung “giải quyết” đối với vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân và phát triển cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tư nhân:
Thứ nhất, xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân là việc khó, cần tập trung sự chỉ đạo của các cấp uỷ, kiên trì tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và nhân dân về chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; về quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân, về vai trò, vị trí của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự đồng thuận của xã hội đối với đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, mà trong đó, đảng viên vừa là chủ thể lãnh đạo, vừa là chủ thể thực hiện.
Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, tạo cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Thực hiện bình đẳng, thực chất giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững. Tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi, nhất là việc vay vốn, cho thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh để đảng viên làm kinh tế tư nhân hoạt động.
Ba là, quan tâm củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện để đảng viên thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên.
Bốn là, các cấp ủy Đảng cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng nơi có đảng viên làm kinh tế tư nhân; trên cơ sở đó chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo sự đồng thuận, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ, giữ gìn khối đoàn kết, thống nhất trong tập thể cấp ủy và trong doanh nghiệp.
Năm là, các cấp ủy Đảng phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên làm kinh tế tư nhân để đảng viên thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tổ chức gặp mặt biểu dương, tôn vinh, để động viên kịp thời các đảng viên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, đóng góp vật chất xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Bên cạnh đó, Trung ương sớm tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân để rút ra kinh nghiệm và chỉ đạo tiếp tục thực hiện; đồng thời hướng dẫn cụ thể để đảng viên vừa thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên, vừa tham gia làm kinh tế tư nhân có hiệu quả. Đề nghị Trung ương sớm có quy định cụ thể về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, không nhất thiết phải kéo dài thời gian thí điểm. Kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân là chủ trương lớn làm tăng sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý về chính trị hiện nay đối với chủ doanh nghiệp là đảng viên để tránh những phần tử cơ hội, lợi dụng vào Đảng để mưu lợi cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng. Việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng khi không còn là chủ trương thí điểm thì nên giao nhiệm vụ này cho Ban thường vụ cấp ủy huyện và tương đương, để thuận tiện và sát với tình hình doanh nghiệp hơn; không nhất thiết phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ trực thuộc Trung ương./.
Bài và ảnh: Việt Thắng