Qua hơn 10 năm thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân” (Gọi tắt là Quy định 15), Tỉnh uỷ đã tập trung chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng, ban hành các chương trình, nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi thông qua các cơ chế, chính sách để đảng viên có điều kiện tham gia làm kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cấp uỷ cơ sở thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế, chú trọng kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ đóng trên địa bàn; hướng dẫn, giúp đỡ đảng viên thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên và chấp hành nghiêm quy định của Điều lệ Đảng.
Sản xuất thuốc đông dược ở Cty CP Dược phẩm Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ). |
I: Những đảng viên làm kinh tế tư nhân
Năm 2005, sau nhiều năm bôn ba “xoay đủ nghề”, ông Vũ Trọng Nghĩa (SN 1965) ở xã Hải Hà (Hải Hậu) trở về quê, quyết định “khởi nghiệp” đấu thầu diện tích trên 20ha ở xã Hải Lộc để phát triển kinh tế trang trại. Từ những kiến thức học hỏi qua những chuyến tham quan, nghiên cứu tại các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, ông tiến hành cải tạo 13ha đầm hồ nuôi với hệ thống dẫn thoát nước khoa học, thả hàng triệu con giống: chép, trắm, trôi, diêu hồng, nguồn thức ăn chủ yếu là phụ phẩm từ lợn; đồng thời tiến hành xây mới trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản. Ông đã liên hệ với Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam của Thái Lan để được cung ứng con giống, cám nuôi, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Với 800 con lợn nái ngoại thế hệ ông bà, mỗi năm cho xuất chuồng gần 16 nghìn con lợn giống, Cty Thái Lan bao tiêu sản phẩm cho các Cty vệ tinh. Theo tính toán, tổng thu từ lợn giống mỗi năm gần 20 tỷ đồng. Tiếp đó, ông quyết định mở rộng mô hình chăn nuôi, đầu tư xây dựng thêm trang trại 5.000 lợn thịt/lứa tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Năm 2013, ông Nghĩa mua lại cổ phần của Cty CP Chế biến Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Nam Định, hiện ông là chủ tịch HĐQT. Không chỉ giữ vững thị trường xuất khẩu chính sang các nước Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc), sản phẩm của Cty còn được tín nhiệm tiêu thụ mạnh tại nội địa ở các thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Năm 2014, sau khi thành lập Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông do ông làm giám đốc, trên diện tích 21ha, thuộc xã Hải Nam (Hải Hậu), ông đầu tư nhà máy gồm 2 phân xưởng giết mổ và chế biến sâu thành sản phẩm chín. Ông Nghĩa cho biết: Hiện tại, Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục của nhà máy, dự kiến cuối năm 2017 sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 160 tỷ đồng, sử dụng công nghệ giết mổ tự động của Mỹ với công suất 250 đến 300 con lợn tạ/giờ, công nghệ chế biến sâu của châu Âu. Ngoài tiêu thụ trong nước, Cty còn hướng đến xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công. Để xuất khẩu thịt lợn sang các thị trường này là rất khó khăn, do yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, nên Cty tích cực chủ động xây dựng vùng nguyên liệu ổn định đảm bảo an toàn vùng dịch. Hiện nay Cty được tỉnh giao nhiệm vụ bảo tồn bộ giống gốc gồm 400 con lợn cụ kỵ. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Vũ Trọng Nghĩa có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội của địa phương. Năm 2009, ông được UBND tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Với nguyện vọng và tâm huyết được đứng trong hàng ngũ của Đảng, năm 2012 ông Vũ Trọng Nghĩa vinh dự được kết nạp Đảng.
Huyện Ý Yên hiện có 178 đảng viên làm kinh tế tư nhân; trong đó, có 20 đảng viên hiện giữ chức danh giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch HĐQT, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Đinh Đức Tuyến, TUV, Bí thư Huyện ủy cho biết: Đảng viên làm kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện đều thực hiện đúng những quy định về đảng viên làm kinh tế tư nhân, không kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật cấm, gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, Điều lệ Đảng. Đảng viên là chủ doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc trả lương, phân phối lợi nhuận trên cơ sở kết quả lao động và mức vốn đóng góp của người lao động theo quy định của pháp luật. Phần lớn đảng viên làm kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện đã khẳng định được bản lĩnh trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, ngành nghề và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ngoài việc đóng góp đáng kể nguồn thu vào ngân sách Nhà nước, nhiều đảng viên làm kinh tế tư nhân tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp ngày càng nhiều cho các quỹ an sinh xã hội, các hoạt động văn hóa, nhân đạo, từ thiện. Trong 10 năm qua, các đảng viên làm kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân có tổ chức Đảng trên địa bàn đã đóng góp gần 20 tỷ đồng xây dựng Đền liệt sĩ của huyện, Quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng 48 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tiêu biểu là các đảng viên: Đỗ Quý Mão, Bí thư chi bộ, Chủ tịch HĐQT Cty CP Xây dựng Đình Văn; Vũ Duy Thuấn, Giám đốc Cty Đúc đồng Thuấn Dung; Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Ngọc Tuấn... Thương binh, nghệ nhân Vũ Duy Thuấn, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh là gương điển hình về đảng viên làm kinh tế giỏi. Sau hơn 20 năm trong quân ngũ, năm 1997, ông nghỉ chế độ với quân hàm Thiếu tá. Về quê hương, ông quyết định theo nghề đúc đồng; luôn sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp giữa bí quyết nghề truyền thống với máy móc thiết bị nên đã đúc được những sản phẩm cao, trọng lượng lớn như: Bức tượng Phật tổ Thích ca cao 6,5m, nặng 30 tấn đặt tại Chùa Non, Sóc Sơn, Hà Nội; Tượng đài Thánh Gióng bằng chất liệu đồng đỏ, cao 14,7m, nặng 90 tấn; Cụm tượng đài Bác Hồ với Chiến dịch Đông Khê năm 1950 cao 5m, nặng 16 tấn; Tượng Phật Tam Thế cao 7,11m, rộng 5,35m, nặng 50 tấn; Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay và ba pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn đặt tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình). Năm 2016, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
Qua 10 năm thực hiện Quy định 15, nhiều đảng viên trong tỉnh nêu cao vai trò tiền phong, không ngừng tu dưỡng, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia tích cực vào việc phát triển doanh nghiệp, xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Tiêu biểu là các đảng viên, doanh nhân làm kinh tế giỏi: Vũ Mạnh Hùng, Đỗ Viết Hưng, Lê Thanh Hải, Lê Huy Điệp, Phạm Trung Trực, Đinh Trung Bộ, Trần Đình Kế, Phạm Ngọc Tuấn, Mai Minh Đoan, Trần Đình Đức, Vũ Long Vỹ. Năm 2017, thương binh Nguyễn Thanh Ngung, thôn Hoàng Mẫu, xã Yên Lương (Ý Yên) được Bộ LĐ-TB và XH tặng Bằng khen; là gương sáng về thương binh, đảng viên gương mẫu làm kinh tế giỏi. Là thương binh hạng 4/4, người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu do di chứng chiến tranh, song CCB Nguyễn Thanh Ngung tích cực tham gia công tác tại địa phương. Từ năm 1994, ông đảm nhiệm các cương vị: Xã đội trưởng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã Yên Lương. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần đưa Yên Lương từ một xã khó khăn, vươn lên được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Sau khi nghỉ công tác, năm 2016, ông đã đấu thầu 5.000m2 đất, đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng mô hình trang trại VAC; kè 3 ao thả cá truyền thống, khu chăn nuôi gia cầm; chọn và trồng 400 gốc cam Vinh, bưởi Diễn. Là một đảng viên, 43 năm tuổi Đảng, nói về suy nghĩ của mình khi sau 10 năm thực hiện Quy định số 15, CCB Nguyễn Thanh Ngung bày tỏ: “Đảng viên làm kinh tế tư nhân là một chủ trương lớn trong quá trình đổi mới tư duy của Đảng ta. Tôi nhận thức rõ, là đảng viên làm kinh tế tư nhân thì ngoài việc chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, còn phải gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng và phải chịu sự giám sát của Đảng. Vấn đề từ thực tiễn là, đảng viên tham gia trong lĩnh vực kinh tế tư nhân không chỉ thể hiện sự nhạy bén, năng động mà còn thể hiện tính tiên phong trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Là đảng viên gốc giáo, năm 2016, CCB Vũ Mạnh Hùng, Bí thư chi bộ, Giám đốc Cty TNHH Sông Giang (Hải Hậu) đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015”; Bằng khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam, Bằng khen của UBND tỉnh. Là CCB, năm 2005, ông Vũ Mạnh Hùng thành lập Cty TNHH Sông Giang, chuyên sản xuất gạch tuynel. Để nâng cao sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, ông đầu tư gần 30 tỷ đồng, mở rộng diện tích nhà xưởng lên 5,7ha; đầu tư thêm một nhà máy sản xuất gạch không nung, công suất thiết kế 10 triệu viên/năm. Hằng năm, doanh thu của Cty đạt trên 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Cty tích cực tham gia công việc từ thiện, ủng hộ, tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn của địa phương. Là một đảng viên, giữ cương vị Bí thư chi bộ, ông đã phối hợp với cấp uỷ, đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng chi bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thực sự là hạt nhân lãnh đạo quần chúng chấp hành đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của người lao động. Chi bộ Đảng của Cty được thành lập năm 2009, hiện có 11 đảng viên, nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh. Bản thân ông luôn gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, các quy định của cấp ủy Đảng và các nội quy, quy định của doanh nghiệp. Năm 2014, khi tuyến tỉnh lộ 488C và phà Ninh Mỹ được mở rộng, ông đã vận động gia đình hiến hơn 600m2 đất và 1.200 khối cát san lấp. Đồng thời ông cũng là một tình nguyện viên 8 năm liền tham gia Ngày hội Hiến máu tình nguyện của huyện Hải Hậu.
Qua 10 năm thực hiện Quy định 15, toàn tỉnh có 76 đảng viên (trong tổng số đảng viên làm kinh tế tư nhân) hiện đang giữ các chức danh lãnh đạo doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phần lớn đảng viên làm kinh tế tư nhân (là cán bộ, đảng viên đã từng làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nay về hưu) nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, Điều lệ Đảng và các quy định của Ban Chấp hành Trung ương; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định; thực hiện tốt các thỏa thuận hợp đồng giữa doanh nghiệp và người lao động, không để xảy ra tranh chấp. Từ khi thực hiện Quy định số 15 đến nay, các doanh nghiệp tư nhân, mô hình kinh tế trang trại, lao động cá thể, tiểu thương, tiểu chủ do đảng viên làm chủ hoặc tham gia quản lý đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả và đa dạng về loại hình./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Việt Thắng