Đảng bộ Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) hiện có 255 đảng viên, sinh hoạt ở 18 chi bộ trực thuộc trong đó có 15 chi bộ thôn xóm, 3 chi bộ trường học. Những năm gần đây, Đảng bộ xã luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, Đảng bộ xã Nghĩa Bình đã tập trung lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ. Trên cơ sở tiếp thu các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Đảng ủy xã đã quán triệt, tạo sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa bằng chương trình hành động, phân công trách nhiệm rõ ràng, xác định lực lượng và các điều kiện đảm bảo để tổ chức thực hiện. Đồng thời, quán triệt, triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên đến nhân dân toàn xã để nâng cao nhận thức, biến nhận thức thành quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ và tạo sự đồng thuận, tranh thủ sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân để triển khai thực hiện có hiệu quả. Nổi bật trong thời gian qua, Đảng bộ xã đã tổ chức và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các chuyên đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được gắn với thực hiện từng công việc cụ thể đối với các tổ chức Đảng, cán bộ và đảng viên như: Việc thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng NTM; thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên chân ruộng hai lúa; thực hiện việc chăm sóc gia đình chính sách và người có công với cách mạng; giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm ATGT; xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa... Từ đó việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có sức lan tỏa sâu rộng, làm chuyển biến tích cực nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn xã. Cùng với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng bộ Nghĩa Bình tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng tổ chức Đảng ở các chi bộ dân cư, bảo đảm đủ năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, luôn quan tâm chăm lo công tác cán bộ. Ngay từ khi tuyển dụng đến khi bố trí công việc cán bộ được xem xét cẩn thận, kỹ càng về trình độ năng lực, chuyên môn, sở trường, giao nhiệm vụ phù hợp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức của xã đã cơ bản đạt trình độ chuẩn theo Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ.
Cán bộ xã Nghĩa Bình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân. |
Đảng bộ xã cũng đã chỉ đạo các chi bộ thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là yếu tố giúp đảng viên nhìn nhận lại những mặt đạt được cũng như khuyết điểm, hạn chế để xây dựng kế hoạch cụ thể, hướng tới hoàn thiện bản thân và làm trong sạch chi bộ và Đảng bộ. Bên cạnh đó, Đảng bộ duy trì tốt việc sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng đối với các chi bộ trực thuộc, nội dung sinh hoạt phải đảm bảo theo tinh thần Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 09 của Ban Tổ chức Trung ương. Đảng ủy đã phân công đảng ủy viên cùng tham dự sinh hoạt hằng tháng ở các chi bộ trực thuộc, để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó đã tạo được mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng. Đối với Đảng ủy duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ hằng tháng của Ban Thường vụ Đảng ủy, BCH Đảng bộ. Hằng quý tổ chức họp giao ban bí thư chi bộ trực thuộc, giao ban khối dân vận, Mặt trận, đoàn thể và hội quần chúng, duy trì các đợt sinh hoạt chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng lập trường của đảng viên. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên không ngừng được nâng cao, từ đó đã tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Là địa phương có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp như đất đai màu mỡ, diện tích đất canh tác rộng, dân số lại ít nên bình quân diện tích canh tác khá cao… Tuy nhiên những năm trước đây lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả, người dân vẫn quen độc canh cây lúa, chưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Để giải quyết bài toán trên, Đảng bộ xã đã bàn bạc và xây dựng nghị quyết về chuyển đổi phương thức, tập quán, đa dạng hoá các hoạt động sản xuất. Trong đó tập trung vào hai mũi nhọn là phá thế độc canh cây lúa, đưa rau màu vào sản xuất trên đất hai lúa và phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Bắt tay vào thực hiện với bao khó khăn, bởi nuôi thủy sản ở địa phương vốn đã manh nha một vài mô hình nhưng trồng cây vụ đông thì quả là khó khăn bởi bao đời nay nông dân trong xã chỉ quen việc trồng lúa, trong khi sản xuất rau màu trên đất hai lúa đòi hỏi phải có trình độ thâm canh cao và điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tương đối tốt. Vạn sự khởi đầu nan, bắt đầu từ khâu thực hiện quy hoạch, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi dần đáp ứng yêu cầu khi có sự chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; xác định lại cơ cấu mùa vụ, cây trồng để sớm giải phóng quỹ đất cho sản xuất vụ đông. Song song với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và từng bước tiến hành tuyên truyền, vận động để các hộ dân trong xã nhận thức được sự cần thiết, lợi ích của việc đưa rau màu vào sản xuất vụ thứ ba trên đất hai lúa; cử cán bộ trực tiếp đi học tập kinh nghiệm sản xuất cây vụ đông và tổ chức phổ biến, hướng dẫn tới từng thôn, đội sản xuất để bà con áp dụng vào thực tế sản xuất. Rồi nêu cao tinh thần các đảng viên gương mẫu đi trước, chuyển đổi sản xuất trên diện tích của gia đình mình… Bằng các biện pháp đồng bộ, nghị quyết đã dần đi vào cuộc sống. Đến nay, cơ cấu mùa vụ ở Nghĩa Bình đã được định hình với những mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, 2 vụ màu + 1 vụ lúa, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Tổng giá trị trồng trọt bình quân của xã đạt gần 39,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân trên 1ha canh tác (2 vụ lúa + cây màu) đạt 111,9 triệu đồng. Trong đó, diện tích cây màu vụ đông là 286,5ha, thu nhập bình quân cây màu đạt 16,4 triệu đồng/ha; riêng diện tích cà chua cho thu nhập từ 140-180 triệu đồng/ha. Nuôi thủy sản phát triển cả ở vùng nuôi nước mặn và nước lợ, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, xã đã chuyển đổi thành công 90,3ha đất hai lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản. Tổng sản lượng thủy hải sản bình quân đạt 130,06 tấn/năm với nhiều sản phẩm đặc trưng mang giá trị hàng hóa cao như các loại cá truyền thống, cá lóc bông, diêu hồng… Tổng giá trị thu nhập từ thủy sản đạt 9.810,86 triệu đồng/năm. Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức sản xuất thành công, xã Nghĩa Bình còn làm tốt công tác thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua nông sản cho nông dân. Hiện tại, nhiều nông dân địa phương đã mua sắm được phương tiện vận chuyển, qua đó có thể đưa nông sản đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước…
Nhờ tập trung chăm lo công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã Nghĩa Bình đã nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên trong lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kết quả đánh giá phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hằng năm, tỷ lệ chi bộ trong sạch vững mạnh đạt từ 86-90%, không có chi bộ yếu kém; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 85-92%. Đảng bộ 5 năm liền được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh xuất sắc; được BCH Đảng bộ tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc 5 năm (2010-2015). Năm 2014, xã Nghĩa Bình về đích NTM, trước kế hoạch 1 năm và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011-2015; năm 2016 xã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đơn vị hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 39 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56% theo tiêu chí mới; 100% xóm đạt danh hiệu làng văn hóa; 79% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa... Đồng chí Hà Quang Thưởng, Bí thư Đảng bộ xã Nghĩa Bình cho biết: Bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh ở địa phương là thường xuyên coi trọng và làm tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy tự phê bình và phê bình để củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ; đổi mới và nâng cao chất lượng lãnh đạo, sinh hoạt của BCH Đảng bộ, chi ủy chi bộ; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nâng cao năng lực và sức chiến đấu từ Đảng bộ đến các chi bộ. Việc ban hành các chủ trương, nghị quyết, chỉ tiêu phải được cụ thể hóa sát với điều kiện thực tế và có tính khả thi cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục phải được coi trọng và tiến hành thường xuyên. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, gần gũi quần chúng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và tư duy tổ chức thực hiện. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra giám sát của cấp ủy, UBKT để kịp thời phát hiện, uốn nắn các tập thể, cá nhân vi phạm, giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Xây dựng MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh; phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát việc thực thi chính sách pháp luật, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết những vấn đề nảy sinh./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng