Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới

09:09, 25/09/2015
(Trích tham luận tại Đại hội
của đồng chí Nguyễn Phùng Hoan,
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN và PTNT)

...
Kính thưa Đại hội!

Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM, trong nhiệm kỳ qua, ngành NN và PTNT tỉnh đã cụ thể hóa thành chương trình công tác; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ, đảng viên nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Qua 5 năm triển khai, trong điều kiện có nhiều khó khăn song được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các ngành, cùng với sự nỗ lực cố gắng của nông dân trong tỉnh và cán bộ, đảng viên trong toàn ngành, 5 năm qua, kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM đạt kết quả khá toàn diện; hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, luôn là điểm sáng của đồng bằng sông Hồng và cả nước về phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM; góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 3,2%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 75,6 triệu đồng/ha năm 2010 lên 100 triệu đồng/ha năm 2015. Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2015 đạt 161,1 nghìn tấn, tăng 27,6% so với năm 2010. Kinh tế thủy sản phát triển khá, sản lượng nuôi trồng và khai thác năm 2015 đạt 121,7 nghìn tấn (tăng 36,7% so với năm 2010); đã từng bước chuyển dần trọng tâm từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ, kết hợp đánh bắt thủy sản với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng đã huy động và đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình đê điều, thủy lợi, nước sạch nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ hậu cần nghề cá..., góp phần hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân, nâng cao năng lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật; hạ tầng kinh tế - xã hội và bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Đến tháng 6-2015, trong 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đã có 81 xã hoàn thành 19 tiêu chí, trong đó có 65 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện Hải Hậu được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện NTM. Dự kiến đến hết năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 100 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Với những cách làm sáng tạo và kết quả đạt được, Nam Định vinh dự là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, kinh tế nông nghiệp của tỉnh cũng bộc lộ hạn chế, yếu kém: Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất có xu hướng chậm dần. Tiềm năng cây trồng, vật nuôi, đất đai, khí hậu và một số sản phẩm chủ lực có lợi thế chưa được khai thác, phát triển hợp lý. Sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Công nghiệp chế biến và dịch vụ chưa phát triển. Chương trình xây dựng NTM chưa đồng đều giữa các địa phương. Để khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém nêu trên và tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng NTM, ngày 17-7-2014, BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) ban hành Nghị quyết số 27 “Về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020”. Ngay sau khi Nghị quyết số 27 được ban hành, các cấp, các ngành đã nghiêm túc triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu:

- Chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng quy trình thâm canh, nuôi trồng tổng hợp; nâng tỷ lệ diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao từ 44% năm 2013 lên 63,5% năm 2015; cơ bản giải quyết được tình trạng nhiễm nặng bệnh bạc lá lúa trong vụ mùa, 2 năm liên tục đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi; phát triển ổn định 150 mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng thí điểm các mô hình liên kết chuỗi giá trị...

- Tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và ban hành 2 Đề án thành phần để cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành: Đề án đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; Đề án xây dựng và phát triển ngành sản xuất giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

- Tổ chức tốt đại hội thành viên gắn với chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 ở 106/319 HTXNN; thành lập mới 8 HTX chuyên ngành làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp; hỗ trợ Cty TNHH Đình Mộc thuê gom, tích tụ ruộng đất sản xuất và xây dựng thương hiệu gạo hàng hóa chất lượng cao; thu hút 4 doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn sản xuất theo phương thức công nghiệp; tạo điều kiện cho Cty Biển Đông khởi công xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn công suất 20 nghìn tấn/năm, dự kiến quý I-2016 nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Chính thức đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển giống lúa của tập đoàn Syngenta vào hoạt động từ tháng 9-2014. Có cơ chế cụ thể hỗ trợ Cty TNHH Cường Tân nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến lúa giống. Triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản theo Nghị định 67 của Chính phủ. Triển khai một số dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất một số loại giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh và các dự án nâng cấp hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Tích cực tham gia và triển khai các chương trình thí điểm của Bộ NN và PTNT về tái cơ cấu nông nghiệp.

- Chuẩn bị tốt các nội dung để tháng 11-2015 chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển nông nghiệp giữa Nam Định và tỉnh Mi-a-gia-ki của Nhật Bản.

Kính thưa Đại hội!

Để góp phần thực hiện tốt mục tiêu, định hướng phát triển cơ bản và lâu dài của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn được nêu trong Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020), ngành NN và PTNT sẽ tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Đó là:

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch ngành cho phù hợp với Đề án tái cơ cấu, lựa chọn quy hoạch các vùng làm địa điểm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp. Lập phương án quản lý, sử dụng linh hoạt, hiệu quả diện tích đất trồng lúa theo Nghị định 35 của Chính phủ; từng bước cơ cấu lại các ngành hàng chủ lực, tập trung phát triển 9 sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn và lợi thế của tỉnh.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất. Xây dựng bộ giống cây trồng, con nuôi chủ lực đặc trưng của tỉnh có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng và phát triển ngành sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phấn đấu đưa Nam Định trở thành trung tâm giống của vùng đồng bằng sông Hồng.

- Triển khai toàn diện các nội dung của Đề án đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nhằm xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, phát triển mạnh mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyên môn hóa với các mô hình trang trại, gia trại chuyên canh. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX và nhóm hộ. Tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ nông sản để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản; HTX, tổ hợp tác là cầu nối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, thông thoáng để huy động cao các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường xúc tiến đầu tư, xác định thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp là khâu then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành. Trước mắt tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ Tập đoàn Vingroup triển khai thực hiện dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Xuân Trường; phối hợp xây dựng 13 chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố.

- Thực hiện tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới và phát triển công tác đào tạo nghề cho nông dân. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho nông dân gắn với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Tập trung đào tạo những nghề có yêu cầu trình độ kỹ thuật như nuôi trồng thủy sản thâm canh, chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất giống cây trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí nông nghiệp cho nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp.

Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy và cán bộ làm công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuyển chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của ngành, của tỉnh.

- Huy động, sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn xã hội hóa. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về nông nghiệp; triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác về nông nghiệp giữa Nam Định và tỉnh Mi-a-gia-ki (Nhật Bản).

- Cùng với tái cơ cấu ngành, ngành NN và PTNT sẽ chủ động cùng các sở, ngành, các huyện, thành phố tích cực tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chương trình xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh; nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, cùng các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại mức đạt các tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình cụ thể huy động cao các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở các xã chưa đạt chuẩn; triển khai các giải pháp nhằm không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí một cách bền vững ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

...

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com