của đồng chí Nguyễn Minh Văn,
Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương)
Kính thưa Đại hội!
Trong 5 năm qua 2010-2015, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi, kinh tế thế giới từng bước phục hồi; thể chế kinh tế thị trường, môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước được cải thiện tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp về giá cả, cung cầu hàng hóa; các doanh nghiệp còn hạn chế về quy mô, năng lực sản xuất, công nghệ, thiết bị và thị trường tiêu thụ…
Trong bối cảnh trên, để phát triển công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, Sở Công thương đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời chủ động phối hợp với các ngành, các cấp cùng với các doanh nghiệp xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành như: Quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó chú trọng định hướng thu hút đầu tư các dự án phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh: Cơ khí, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, hóa dược, vật liệu xây dựng; Quy hoạch xây dựng các KCN, CCN; Quy hoạch phát triển các ngành nghề TTCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
- Tham mưu với Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 25-7-2011 về “Phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2011-2015”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 12-8-2011 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển CN-TTCN ở nông thôn.
- Phối hợp triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư của Trung ương, của tỉnh thu hút các nguồn lực phát triển CN-TTCN, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh…
Do chủ động và phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên nên hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng:
- Tổng vốn đầu tư phát triển CN-TTCN trên địa bàn tỉnh trong 5 năm ước đạt 20.136 tỷ đồng. Đến nay đã có 1.035 doanh nghiệp trong tổng số 36.800 cơ sở sản xuất CN-TTCN với tổng số 163.750 lao động, chiếm gần 16% tổng số lao động đang làm việc trong các khu vực kinh tế của tỉnh.
- Đã có 3 KCN đi vào hoạt động, thu hút 173 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 7.109 tỷ đồng và 358,8 triệu USD, giải quyết việc làm cho 26 nghìn lao động; đã xây dựng 20 CCN thu hút 459 dự án với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 48 nghìn lao động nông thôn.
- Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-7-2011 của Tỉnh ủy về phát triển CN-TTCN, làng nghề nông thôn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư về các CCN, điểm công nghiệp, 350 doanh nghiệp được thành lập mới ở nông thôn, giải quyết việc làm cho 50 nghìn lao động, các làng nghề CN-TTCN, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Do đó năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (theo giá cố định 1994) ước đạt 14.320 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55,08% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Trên 80% số xã trong tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp chiếm trên 10% trong giá trị sản xuất của địa phương.
Kết quả đó góp phần làm cho giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt mức tăng trưởng cao, bình quân tăng 22,3%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) năm 2015 ước đạt 27.580 tỷ đồng, tăng gấp 2,74 lần so với năm 2010. Các ngành công nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng khá từ 19,5-22,7%/năm.
Ngành công nghiệp phát triển đã đóng góp cao vào giá trị tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) từ 25,7% năm 2010 lên 32,06% năm 2015, tăng trưởng GRDP bình quân 12,5%/năm, đưa GRDP bình quân đầu người tăng lên 39 triệu đồng năm 2015; giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 29,5% năm 2010 xuống còn 24% năm 2015 trong tổng GRDP. Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao, năm 2015 ước đạt 1 tỷ USD, góp phần thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển.
Tuy nhiên ngành Công nghiệp của tỉnh thời gian qua vẫn còn có những tồn tại hạn chế như: Dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại tạo nguồn thu lớn cho ngân sách chưa nhiều; ngành Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh nguồn nguyên liệu. Một số sản phẩm và ngành sản xuất như cơ khí chế tạo, lắp ráp, sản phẩm làng nghề… gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất CN-TTCN, làng nghề chưa được xử lý triệt để… cần được tập trung chỉ đạo để tạo sự phát triển bền vững.
Kính thưa Đại hội!
Bước sang giai đoạn tới, nền kinh tế trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ kết quả của việc nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực: Việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015; các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã, sắp kết thúc đàm phán và ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa rất sâu, phần lớn các dòng thuế sẽ được giảm xuống còn 0-5%, với những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… vừa mang lại cơ hội, nhưng cũng là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp.
Tận dụng cơ hội và khắc phục những khó khăn trên, ngành Công thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu ở mức cao nhất như đã nêu trong Báo cáo chính trị Đại hội: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 13-14%/năm, năm 2020 đạt khoảng 72.460 tỷ đồng, theo giá hiện hành khoảng 144.900 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2015. Giá trị hàng xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong giá trị tổng sản phẩm GRDP của tỉnh đạt 47% vào năm 2020.
Để đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh, toàn ngành sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án có quy mô, công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao: Sản xuất vải (dệt, nhuộm, hoàn tất) và phụ liệu phục vụ may xuất khẩu và thời trang; Hóa chất, dược phẩm; Các ngành công nghiệp hỗ trợ; Dây, cáp điện, thiết bị, vật liệu điện, động cơ, máy phát điện; Sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm… Tiếp tục phát triển ngành may xuất khẩu ở địa bàn nông thôn; chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến gỗ, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng… nhằm giải quyết việc làm, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Kính thưa Đại hội!
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, ngành Công thương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công thương và chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển công nghiệp.
- Xây dựng hạ tầng các KCN nhằm thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đóng góp lớn cho ngân sách và thân thiện với môi trường. Trong đó chú trọng xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận, Nhà máy Nhiệt điện Hải Hậu với công suất 2.400MW; xây dựng mới, mở rộng các cụm, điểm công nghiệp thu hút các dự án đầu tư phát triển CN-TTCN ở nông thôn và phát triển sản xuất làng nghề.
- Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với quy mô lớn ở các thị trường trọng điểm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, trình độ công nghệ và thiết bị tiên tiến…
- Quan tâm và chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại; tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tận dụng các cơ hội, vượt qua những khó khăn thách thức từ việc hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực ASEAN.
- Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ; chủ động kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng các dự án công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, vật liệu mới…
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển CN-TTCN.
…