Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

08:04, 07/04/2014

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19-4-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, hoạt động tuyên truyền PBGDPL của các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL ngày càng được củng cố, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng cao, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai thực hiện Kết luận số 04-KL/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 115-CV/TU ngày 29-6-2011 yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các Huyện uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã tổ chức quán triệt Kết luận số 04-KL/TW và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác PBGDPL, xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cấp ủy Đảng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực PBGDPL để kịp thời củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ. Đến nay, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh đã được kiện toàn gồm 37 đồng chí là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của các sở, ban, ngành, đoàn thể; đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện có 161 đồng chí. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã với trên 2.500 người tham gia, nòng cốt là cán bộ tư pháp - hộ tịch, trưởng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức kiện toàn 3.773 tổ hòa giải với 22.676 hòa giải viên ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố. Sở Tư pháp đã phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh duy trì, nâng cao chất lượng của các trang chuyên, chuyên mục pháp luật; phối hợp với Sở GD và ĐT đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy môn Giáo dục công dân đủ về số lượng, có trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của các luật gia, cán bộ Công đoàn, Đoàn Thanh niên, đội Thanh niên tình nguyện để thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL.

Tuyên truyền viên pháp luật xã Xuân Ninh (Xuân Trường) tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tới người dân.
Tuyên truyền viên pháp luật xã Xuân Ninh (Xuân Trường) tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tới người dân.

Cùng với việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã định hướng rõ nội dung cần tuyên truyền, phổ biến trong từng giai đoạn, trên cơ sở bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, từ đặc điểm địa bàn và đối tượng tuyên truyền để xây dựng và triển khai kế hoạch PBGDPL; gắn công tác PBGDPLvới thực tiễn chấp hành pháp luật. Những năm qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về dân sự, kinh tế, quyền của công dân, an ninh trật tự, văn hoá xã hội như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Bộ luật Hình sự, pháp luật về trật tự ATGT, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo… Trong các năm 2012, 2013 các ngành, các địa phương đã tập trung cao độ cho việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đất đai, môi trường, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, đặc biệt tổ chức triển khai kịp thời các văn bản pháp luật mới được ban hành như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật PBGDPL, Luật Hòa giải ở cơ sở... Việc định hướng đúng và phù hợp về nội dung tuyên truyền đã phát huy tác dụng, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Bên cạnh việc định hướng nội dung, các cấp ủy Đảng trực tiếp chỉ đạo đổi mới hình thức PBGDPL cho phù hợp với đặc điểm đối tượng, địa bàn để chuyển tải pháp luật đến với nhân dân. Những hình thức PBGDPL truyền thống tiếp tục được cải tiến thực hiện đa dạng như: tuyên truyền miệng, biên soạn phát hành tài liệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung pháp luật vào các cuộc thi văn hoá, văn nghệ; mô hình CLB pháp luật ở cơ sở; tủ sách pháp luật; hoạt động hoà giải cơ sở; hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật. Thông qua việc dạy và học pháp luật trong nhà trường đã giúp cán bộ và nhân dân dễ dàng tiếp cận, hiểu biết pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền PBGDPL mới được triển khai như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Các website của Chính phủ, các bộ, ngành đều có thư mục riêng cập nhật nội dung các quy định pháp luật liên quan. Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp có một trang PBGDPL để người dân khai thác thông tin, học tập kinh nghiệm về PBGDPL. Việc ký cam kết không vi phạm pháp luật cho các đối tượng như hội viên các đoàn thể, học sinh, sinh viên, nhân dân ở khu dân cư; việc điều tra, thăm dò dư luận xã hội nhằm thu thập thông tin phản hồi, nắm bắt nhu cầu, yêu cầu về pháp luật để từ đó xác định nội dung, biện pháp tuyên truyền phù hợp cũng đem lại hiệu quả cao. Phổ biến, giáo dục thông qua các đợt lấy ý kiến nhân dân về nội dung các dự án luật, dự án các văn bản quy phạm pháp luật… cũng tạo thuận lợi cho người dân có điều kiện tiếp cận pháp luật ngay từ giai đoạn soạn thảo. Mô hình “Ngày pháp luật” được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh từ cuối năm 2010 đã phát huy hiệu quả. Trong 3 năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức trên 5.000 buổi PBGDPL cho hàng trăm nghìn lượt người, phát hành miễn phí hàng chục nghìn bản tài liệu phổ biến pháp luật.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận 04-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đề cao trách nhiệm của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tuyên truyền pháp luật; nội dung tuyên truyền thiết thực, sát với đối tượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, gắn hoạt động PBGDPL với công tác giáo dục truyền thống văn hoá, đạo đức và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng, đưa chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com