Chuyển biến sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn

08:01, 15/01/2014

Nhằm từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy Nhà nước, tháng 7-2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo”. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn (gọi chung là cán bộ cấp xã) trong toàn tỉnh đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng; nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp về công tác cán bộ đã có sự thay đổi tích cực. Nhiều huyện uỷ, thành uỷ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ phù hợp với tình hình địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn cụ thể. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ban TVTU chỉ đạo có hiệu quả các khâu của công tác cán bộ từ việc quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ, trong đó chú trọng công tác tuyển dụng đầu vào và đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hoá cán bộ, công chức cấp xã.

Ban Chi ủy xóm Đoài Bàng, xã Nam Hồng (Nam Trực) họp đánh giá hoạt động của các hội, đoàn thể năm 2013.
Ban Chi ủy xóm Đoài Bàng, xã Nam Hồng (Nam Trực) họp đánh giá hoạt động của các hội, đoàn thể năm 2013.

Về công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, Ban TVTU đã chỉ đạo các huyện, thành uỷ, các Đảng đoàn trực thuộc hướng dẫn, chỉ đạo các cấp uỷ cơ sở quyết liệt trong công tác nhân sự, kiện toàn các chức danh chủ chốt cấp uỷ, HĐND, UBND và trưởng các đoàn thể chính trị, xã hội thông qua đại hội nhiệm kỳ theo quy định; kiên quyết điều chuyển, cho nghỉ chế độ đối với cán bộ không đảm bảo về độ tuổi, trình độ, năng lực, uy tín. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND về ban hành Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thay thế Quyết định số 89/2007/QĐ-UBND, ngày 11-1-2007; trong đó quy định về trình độ chuyên môn phải có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy trở lên và có chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức cần tuyển dụng. Cùng với đó tỉnh cũng ban hành Quyết định về việc tuyển dụng (ưu tiên xét tuyển) người có trình độ đại học hệ chính quy phù hợp với chuyên ngành về công tác tại xã, phường, thị trấn. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ, các huyện, thành phố đã tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch tuyển dụng và triển khai công tác tuyển dụng công chức xã còn thiếu theo quy định. Kết quả từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn 10 huyện, thành phố đã tuyển dụng được 647 công chức, trong đó có 274 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy. Số cán bộ được tuyển dụng đều có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu, đặc biệt đối với sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy sau khi được tuyển dụng về công tác tại các xã, phường, thị trấn đã phát huy tốt kiến thức đã học, luôn tận tuỵ và có trách nhiệm với công việc, có ý chí phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt công việc được giao. Nhiều người về nhận công tác từ 1, 2 năm rèn luyện, phấn đấu tốt đã được kết nạp Đảng. Cùng với đổi mới trong công tác tuyển dụng, các huyện, thành phố còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Từ năm 2011 đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ đã phối hợp với Trường Chính trị Trường Chinh, cấp uỷ các huyện, thành phố mở được 21 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 1.842 học viên là cán bộ đương chức và quy hoạch các chức danh cán bộ cấp xã, các chức danh trưởng, phó các phòng, ban cấp huyện và tương đương; 11 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cho 1.190 đồng chí, 1 lớp đại học nông nghiệp cho 89 học viên, 1 lớp đại học hành chính cho 88 học viên; 1 lớp trung cấp Luật cho 135 học viên là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã; 5 lớp trung cấp Luật cho cán bộ, công chức của 5 huyện: Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Ý Yên; 1 lớp bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin cho 30 công chức cấp xã; 42 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND thành phố và các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011-2016. Ngoài ra Trường Chính trị Trường Chinh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh, các lớp trung cấp chính trị, quản lý Nhà nước cho cán bộ các hội, đoàn thể, nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đến nay, đội ngũ cán bộ cấp xã đã cơ bản đảm bảo về số lượng, hạn chế tình trạng một cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh (trước năm 2010, toàn tỉnh còn thiếu 955 cán bộ xã theo biên chế, đến hết năm 2013, chỉ còn thiếu 27 cán bộ). Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã cũng có chuyển biến đáng kể. Đến nay, trong tổng số 4.674 cán bộ, công chức cấp xã, có 1.101 đồng chí có trình độ cao đẳng, đại học, chiếm 23,5%, tăng trên 6% so với năm 2011; 2.332 đồng chí có trình độ trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị có 80 đồng chí có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, 2.725 đồng chí có trình độ trung cấp. Tỷ lệ công chức nữ và công chức trẻ (dưới 30 tuổi) có xu hướng tăng lên.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 05 còn một số hạn chế. Ở một số địa phương, ban thường vụ huyện uỷ chưa chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã, chưa có kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ công chức giữa các phòng, ban, ngành cấp huyện về giữ các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã và ngược lại. Việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ cấp cơ sở chưa thực hiện đồng bộ về mọi mặt, mới chỉ đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ mà chưa chú ý bồi dưỡng kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là năng lực xử lý những tình huống khó khăn ở cơ sở. Công tác đào tạo cán bộ còn chạy theo số lượng; một số địa phương, đơn vị đào tạo chưa đúng đối tượng theo chuyên ngành; việc phân công, bố trí công việc cho cán bộ sau đào tạo còn hạn chế; một số cán bộ dự nguồn được cử đi đào tạo đã tốt nghiệp trở về địa phương nhưng chưa được bố trí công việc do số cán bộ hiện đang công tác chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ xã còn khó khăn. Chính sách thu hút cán bộ về công tác tại cơ sở chưa cụ thể nên chưa khuyến khích được cán bộ, công chức giỏi, sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy có chuyên ngành phù hợp về công tác tại cơ sở. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong đội ngũ tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp. Đến nay, cán bộ chủ chốt là nữ mới đạt 4%, cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) mới đạt 1,4% trong khi nghị quyết đề ra đến năm 2014 có 50% số xã có tỷ lệ cán bộ nữ và tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm 20% trở lên (mỗi xã có ít nhất 1 cán bộ nữ, 1 cán bộ trẻ). Riêng đội ngũ công chức xã mặc dù chất lượng đã có sự nâng lên với trên 26,5% có trình độ cao đẳng, đại học (tăng 9,5% so với năm 2011), trên 61% có trình độ trung cấp, song đến nay còn 20,4% chưa qua đào tạo lý luận chính trị, nên chất lượng chỉ đạo, điều hành ở một số nơi còn yếu kém, lúng túng, chưa giải quyết được những vấn đề phức tạp theo thẩm quyền; tính tự chủ trong công việc còn hạn chế, nhất là việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào tình hình cụ thể ở địa phương.

Để khắc phục những hạn chế trên, cùng với việc nâng cao chất lượng tuyển dụng, ưu tiên tuyển những người có trình độ đại học chính quy, chuyên ngành phù hợp về công tác tại xã, thời gian tới rất cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương; quan tâm sắp xếp, bố trí công việc cho những cán bộ trẻ đã được cử đi đào tạo trở về địa phương, kiên quyết thay thế những cán bộ chưa được đào tạo chuyên môn theo quy định để đến năm 2015 không còn cán bộ cấp xã không đạt chuẩn theo quy định. Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, sắp xếp cán bộ phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ và khả năng hoàn thành nhiệm vụ; mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ được đào tạo cơ bản, đã thử thách trong thực tiễn, có triển vọng phát triển; không bố trí sử dụng những cán bộ không có điều kiện, khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Trước mắt, tỉnh cần xây dựng chế độ, chính sách cụ thể đối với những cán bộ cấp xã tuổi đời cao (nam trên 55 tuổi; nữ trên 50 tuổi) nhưng chưa đạt trình độ, năng lực hạn chế; có chế độ hỗ trợ cán bộ luân chuyển; cụ thể hoá chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy có chuyên ngành phù hợp về công tác ở cơ sở... Đối với những xã có biến động về cán bộ cấp xã, việc lựa chọn nhân sự để kiện toàn phải ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, cơ cấu cán bộ hợp lý và đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao./.

Bài và ảnh: Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com