Vào đầu tháng 9 vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… phát động cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” (gọi tắt là cuộc vận động). Có thể nói đây là lần đầu tiên có một cuộc vận động được phát động nhằm khơi dậy sức sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước”. Tại lễ phát động, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động phát biểu: Cuộc vận động thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nâng cao được nhận thức và ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, thông qua cuộc vận động, doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm đối với dân tộc, xã hội, thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh năng động, đóng góp ý kiến của mình với Đảng, Nhà nước để Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và doanh nhân trong giai đoạn tới.
Ảnh minh họa. |
Trên thực tế hiện nay, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân, vì vậy đối tượng mà cuộc vận động hướng tới là cộng đồng doanh nghiệp bởi chính các doanh nghiệp là người hiểu hơn ai hết những khó khăn, thuận lợi, vướng mắc mà nền kinh tế đang gặp phải, từ đó sẽ tham gia hiến kế hiệu quả, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư gỡ khó cho nền kinh tế. Đa số các doanh nghiệp cho rằng, họ không mong Nhà nước hỗ trợ điều gì lớn lao mà mong những kiến nghị của họ được tiếp thu, ghi nhận và sửa đổi trong thực tế. Nhà nước cải cách hành chính nhiều hơn nữa, kể cả về pháp luật lẫn con người để tháo gỡ các rào cản gây trở ngại hoạt động của doanh nghiệp và phù hợp với các hiệp định tự do để họ có thể tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro đồng thời nhiều ý kiến mong muốn Chính phủ xem xét, rà soát và tháo gỡ thực trạng văn bản luật chồng chéo vốn tồn tại nhiều năm nay. Doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là đối tượng được điều chỉnh bởi cơ chế, chính sách, mà chính họ phải có tiếng nói và tham gia vào quá trình hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách. Chỉ có như vậy thì các cơ chế, chính sách mới phản ánh kịp thời, sát nhất với thực tiễn cuộc sống, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch!
Theo Ban Tổ chức cuộc vận động, thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất tính từ sau ngày tổ chức lễ phát động đến 31-12-2019, dự kiến tổng kết vào tháng 4-2020. Hy vọng với tinh thần trách nhiệm với dân tộc, vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như của đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay, cuộc vận động sẽ thu hút được sự tham gia của đông đảo, phát huy được trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong cả nước vì một Việt Nam hùng cường, lớn mạnh./.
Phương Mai