Hiện nay, tình trạng tham nhũng, lãng phí đang trở thành một vấn nạn trong xã hội, gây tổn thất lớn về kinh tế, làm mất lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp. Trước thực trạng đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Trong cuộc đấu tranh đó, bên cạnh vai trò của các cơ quan chức năng, cơ quan thực thi pháp luật, xã hội có một công cụ quan trọng trong phòng, chống tham nhũng là báo chí. Những năm gần đây, báo chí đã vào cuộc một cách tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát hiện nhiều vụ việc, góp phần đẩy nhanh xử lý các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp liên quan một số cán bộ, đảng viên. Nhiều nhà báo đã không ngại hiểm nguy, vượt qua sức ép của quyền lực, cám dỗ vật chất, thậm chí vượt qua sự đe dọa về tính mạng, công việc để tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng như các tiêu cực trong xã hội. Báo chí đã thể hiện được vai trò xung kích, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, đưa ra ánh sáng công lý. Theo thống kê có tới trên 70% vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là do báo chí phát hiện và công bố. Rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng lớn được đưa ra xét xử thời gian gần đây, công lớn đầu tiên thuộc về báo chí như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vinashin, vụ PMU 18, vụ “hot girl” xứ Thanh... Qua thông tin trên báo chí đã kịp thời giúp nhân dân nắm bắt bản chất của sự kiện, hiểu rõ từng vấn đề, ủng hộ sự nghiêm minh của luật pháp, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Không thể phủ nhận vai trò của báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên trong quá trình tác nghiệp, chính bản thân một số nhà báo đã không giữ vững bản lĩnh người làm báo, bị cuốn theo những cám dỗ vật chất dẫn đến vi phạm như: lợi dụng danh nghĩa báo chí để tống tiền tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; sử dụng thủ đoạn “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” để trục lợi; tổ chức “đánh hội đồng”; thậm chí tiếp tay cho tham nhũng qua các bài viết ca ngợi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương có dấu hiệu tham nhũng, tô vẽ hình ảnh người tham nhũng để làm chệch hướng dư luận, cản trở công việc của cơ quan chức năng… Những hành vi này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của báo chí, gây nghi ngờ, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Đặc biệt, khi internet, mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch sử dụng để lan truyền tin giả nhằm gây nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ, tác động tiêu cực đến uy tín của tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, của cán bộ, đảng viên thì người làm báo cần hết sức tỉnh táo để không khai thác một cách vô trách nhiệm, không bị cuốn theo, hoặc vì tin tức giật gân, câu khách mà tiếp tay lan truyền thông tin do kẻ xấu bịa đặt, gieo rắc. Bất luận trong hoàn cảnh, trường hợp nào thì khi tham gia phòng, chống tham nhũng, trước hết phải bắt đầu từ sự liêm chính, trung thực, trong sạch, bản lĩnh vững vàng của chính nhà báo.
Để có thể tham gia phòng, chống tham nhũng hiệu quả, các nhà báo và cơ quan báo chí cần không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện nghiêm 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp đối với nhà báo, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách và cám dỗ vật chất. Bên cạnh đó, báo chí không được dựa trên các suy đoán, suy luận cảm tính, chỉ dựa vào dư luận, không ỷ vào sức mạnh báo chí mà gây sức ép lên tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; cần luôn ý thức rằng, mọi sự vội vàng, thiếu thận trọng đều có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mỗi người làm báo, mỗi tòa soạn báo, mỗi cơ quan chủ quản báo chí cần có ý thức nghiêm túc về vai trò của mình, từ đó thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Từ đó, báo chí mới có thể góp phần hiện thực hóa nội dung đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định: “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…”.
Thực tiễn đã khẳng định, báo chí có vai trò tiên phong, vai trò xung kích trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, làm lan tỏa, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí; biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tham gia đóng góp hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Để thực hiện tốt xứ mệnh đó, mỗi nhà báo cần có cái tâm trung thực khi làm nghề, giữ cho “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, vững vàng trước mọi hoàn cảnh./.
Phương Mai