Lo ngại xu hướng "cuồng thần tượng" trong giới trẻ

02:04, 11/04/2019

Gần đây, trong giới trẻ nổi lên một “hiện tượng mạng” mang tên Khá “bảnh” (tức Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, quê Bắc Ninh). Điều khiến anh ta nổi tiếng là những clip giang hồ trên mạng xã hội Facebook, Youtube, mái tóc “bờm ngựa”, điệu múa xòe quạt trên nền nhạc “vinahouse”. Nhưng một điều kỳ lạ là Khá “bảnh” đang được rất nhiều bạn trẻ theo dõi, thậm chí còn tung hô, gọi là thần tượng. Đầu tháng 3-2019, “hiện tượng mạng” Khá “bảnh” còn có một hành động “điên rồ” là cùng một nhóm thanh niên dàn hàng trên đường cao tốc và chụp hình. Bức ảnh này được đăng trên Facebook Khá “bảnh”, nhận hơn 10 nghìn bình luận, khoảng 6.000 lượt chia sẻ hay video Khá “bảnh” đập nát và đốt cháy chiếc xe máy có giá trị. Không những không lên án hành vi vi phạm pháp luật, nhiều bạn trẻ còn tung hô Khá “bảnh” như một “người hùng” vì dám nghĩ, dám làm,… Một điều khá bất ngờ và “dậy sóng” cộng đồng mạng khi những hình ảnh về sự “chào đón” của nhóm bạn trẻ mang đồng phục học sinh dành cho Khá “bảnh”. Họ tung hô, xin chữ ký, xin chụp ảnh cùng “thần tượng”. Thậm chí có những người còn tự hào khoe ảnh tự sướng cùng với Khá “bảnh” lên trang cá nhân và ở dưới là vô vàn những bình luận ngưỡng mộ. Cũng là một “đại ca” đến từ Bắc Ninh, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền nổi tiếng là liều lĩnh, có các clip chửi bới trên mạng xã hội và thành tích ra tù vào tội của mình; một kênh giang hồ khác là Phú Lê, cũng trở thành một hiện tượng mạng “hot” với bài hát một bộ phim về giang hồ có tên “Đời là thế thôi”, có mối quan hệ thân thiết với các anh chị khét tiếng trong giang hồ. Những hiện tượng mạng này lợi dụng yếu tố “xã hội đen” để thu hút hàng triệu lượt xem, gọi chung là các kênh giang hồ. Kịch bản chung của các video trên là những thứ không hay của xã hội, ngồi livestream cởi trần khoe rồng phượng xăm kín mình, ăn chơi trác táng, chửi bậy, thách thức, cầm vũ khí đi “thanh toán” lẫn nhau...

Theo dõi trên các trang mạng hoặc trang cá nhân của giới trẻ sẽ thấy, một bộ phận không nhỏ người trẻ hiện nay sớm tìm cho mình những thần tượng để tôn sùng trong cuộc sống. Nếu như trước đây, chỉ những người tài giỏi, thông minh, xuất chúng cả về trí tuệ và đạo đức mới được tôn vinh là thần tượng thì hiện nay, chủ yếu thần tượng của giới trẻ là những nam, nữ ca sĩ, diễn viên có ngoại hình xinh đẹp, được đánh bóng tên tuổi và luôn xuất hiện trước công chúng với vẻ ngoài hào nhoáng nhất. Chỉ với nhận diện trực quan vậy thôi cũng đã đủ làm cho người trẻ mất ăn mất ngủ, dẫu cho tài năng của họ ở hạng nào đi chăng nữa. Có nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ quá dễ dãi đối với “chuẩn” thần tượng, đó có thể do cha mẹ nuông chiều hoặc do tuổi mới lớn thích sự khác biệt, thích thần tượng kiểu a dua theo tâm lý đám đông. Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa hiện nay là do truyền thông đã và đang quá lố trong việc tung hê những ca sĩ, diễn viên trẻ hay các “hiện tượng mạng” lợi dụng mạng xã hội để “tự lăng xê” cho hình ảnh của mình. Trào lưu hâm mộ “hiện tượng mạng” cho thấy đời sống văn hóa, tinh thần của giới trẻ hiện nay - những người quá phụ thuộc khá nhiều vào mạng xã hội vẫn còn khoảng trống. Nếu chỉ dừng ở việc xem và “like” đã đành, sợ nhất là thói “ngông cuồng” ngày càng nở rộ và dẫn đến những hành vi  như bạo lực trong trường học, trong gia đình…

Tuổi trẻ, ai cũng có cho mình một vài thần tượng để có thêm niềm vui và động lực trong cuộc sống, vì vậy không nên quá khắt khe với việc giới trẻ thần tượng ai đó. Tuy nhiên, người lớn cần quan tâm, định hướng để con trẻ lựa chọn thần tượng sao cho xứng đáng, thay bằng mù quáng, mất lý trí khi đặt thần tượng trên cả sức khỏe của bản thân, trên cả việc học hành, cha mẹ và gia đình. Các bậc làm cha làm mẹ phải coi mình như là bạn của con để hiểu chúng nghĩ gì, muốn gì. Đồng thời, các thiết chế văn hóa xã hội cũng cần phối hợp với nhà trường cần quan tâm đến giới trẻ nhiều hơn, trong đó quan trọng nhất là đổi mới phương thức tiếp cận họ. Hơn thế cần có cơ chế giám sát các nội dung đăng trên mạng xã hội, việc tự do tung các clip nhảm nhí trên mạng mà cơ quan chức năng không có khả năng kiểm soát cũng là một lỗ hổng lớn, để lại cho xã hội là một lớp trẻ với văn hóa lệch chuẩn, thái quá đáng lo ngại./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com