Trong văn bản mới đây gửi Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban ATGT quốc gia đề xuất nâng mức xử phạt đối với xe quá tải, lái xe say rượu, đi xe máy trên đường cao tốc... với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện. Cụ thể, người điều khiển ô tô, xe máy mà có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện.
Quan tâm đến đề xuất này của Uỷ ban ATGT quốc gia, Luật sư Trần Vũ Hải, Văn phòng Luật sư Vũ Hải đã đưa ra nhiều cơ sở pháp lý để so sánh nội dung đề xuất của Ủy ban ATGT so với Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Luật sư Vũ Hải cho rằng, ông quan tâm nhiều đến khía cạnh pháp lý của đề xuất do Uỷ ban ATGT quốc gia, vì nó khi đưa ra gây “sốc” trong cộng đồng.
Luật sư Vũ Hải dẫn Khoản 7, Điều 5 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP có quy định nội dung: Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở và theo điểm C, khoảng 11 điều này, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.
Theo khoản 8, Điều 5 cũng quy định, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; và theo điểm C, khoảng 11 điều này, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.
Còn theo đề xuất của Uỷ ban ATGT quốc gia đề xuất ngoài tăng phạt nặng tiền, còn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 12-24 tháng. “Trong Điều 5 và 6, ở mức cao nhất là phạt ô tô từ 10-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, nhưng nay theo đề xuất của Uỷ ban ATGT quốc gia, đối với trường hợp người vi phạm có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì không áp dụng phạt tiền, mà áp dụng luôn tịch thu xe… Liên quan đến việc tịch thu tài sản, rất nhiều người cho rằng, đây là biện pháp “sốc” và bức xúc, đồng thời lo ngại ảnh hưởng tới môi trường pháp lý. Tôi cho rằng, những lo ngại đó là đúng, khi mà Hiến pháp 2013 đã có những quy định về bảo hộ tài sản” - Luật sư Hải nói.
Luật sư Vũ Hải dẫn Điều 32, Hiến pháp 2013 quy định, “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ; Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.
Cùng với đó, Điều 51, Hiến pháp 2013 cũng quy định “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
“Hiến pháp chỉ nói đến vấn đề bảo hộ, chứ chưa nói đến vấn đề tịch thu. Vì thế, nếu nói đến vấn đề tịch thu, phải xem xét các luật liên quan như Bộ luật Hình sự, như Điều 40 của Bộ luật này nói về vấn đề tịch thu nhưng với tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” - Luật sư Hải nói.
Luật sư Vũ Hải cũng dẫn thêm các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến bảo hộ và tịch thu tài sản, trong đó có Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ông Hải cũng cho rằng, nếu một vấn đề đưa ra, nhiều người bức xúc, băn khoăn và phản đối thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nên có ý kiến.
Theo luật sư Vũ Hải, ông cũng như nhiều người lo ngại về việc tịch thu phương tiện, trong đó người vi phạm không phải là chủ phương tiện thì xử lý như thế nào.
Điều 126, Luật Xử lý hành chính về Xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính đã quy định: Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.
Theo Luật sư Vũ Hải, tuy nhiên Điều này cũng chưa rõ. Ví dụ như thế nào là sử dụng trái phép, thế nào là cố ý để người khác sử dụng và những trường hợp phương tiện được mượn, thuê, thế chấp… sẽ xử lý như thế nào? “Đặc biệt trong vấn đề thế chấp, người chủ vẫn đứng tên phương tiện, nhưng đang thế chấp ngân hàng thì giải quyết như thế nào?”.
Theo Luật sư Hải, vấn đề người dân lo ngại nhất từ đề xuất tịch thu phương tiện là có thể làm tăng quyền của cảnh sát giao thông, gia tăng tình trạng hối lộ và tịch thu xe tùy tiện.
Ông Hải đưa ra khuyến nghị, cần có biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này nếu đề xuất tịch thu xe được thực hiện. “Chỉ nên giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định tịch thu xe, không để cho cảnh sát giao thông ra quyết định tịch thu. Việc kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phải theo kế hoạch, quy trình được Chủ tịch UBND tỉnh thông qua, quay video làm bằng chứng. Chúng ta phải làm thật công bằng thì người dân họ mới chấp nhận”, Luật sư Hải nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tịch thu xe, nên tăng nặng thêm hình phạt từ khung cao nhất 15 triệu đồng lên 40 triệu đồng, Luật sư Vũ Hải cho rằng, 40 triệu đồng không là gì với con nhà "đại gia”, mức phạt này chỉ có tính răn đe đối với công chức nghèo, những người bình dân. Vì thế nên tăng mức này phạt để đủ tính răn đe với cả những trường hợp "lắm tiền nhiều của"./.
Theo vov.vn