Sẽ loại bỏ những lễ hội không phù hợp

08:03, 10/03/2015

Bộ VH, TT và DL sẽ tổng kết, tham mưu lên Chính phủ những lễ hội nào không có tác dụng giáo dục, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia thì cấm. Lễ hội nào cần có những công đoạn phải loại bỏ thì bỏ, những nghi lễ nào cần khu biệt lại thì khu biệt…, sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, phương tiện thông tin đại chúng. Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL khẳng định sau khi kiểm tra hàng loạt lễ hội trong những ngày đầu năm vừa qua.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xóa bỏ những lễ hội không phù hợp. Bộ trưởng có thể cho biết Bộ VH, TT và DL đã có những hành động nào cụ thể nào để chấn chỉnh?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát đánh giá lại các lễ hội ở các tỉnh, thành phố thời gian qua. Nguồn gốc những lễ hội này cần phải nghiên cứu cụ thể hơn để đánh giá lại. Những lễ hội nào ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, uy tín quốc gia thì sẽ đánh giá lại để đề xuất Chính phủ cấm hẳn hoặc giữ lại một phần và những lễ hội nào có hoạt động cần tách riêng, khu biệt như những nghi thức hiến sinh, tế lễ... Những truyền thống nào tốt đẹp chúng ta giữ, những hành vi nào phi văn hóa đi ngược lại với nếp sống văn minh thì chúng ta nên loại bỏ.

Tôi không nhất trí quan điểm cho rằng, việc điều chỉnh lễ hội truyền thống cho phù hợp với cuộc sống là áp đặt lối tư duy, văn hóa phương Tây. Hiện Bộ VH, TT và DL đang soạn thảo công văn gửi các tỉnh, thành phố chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động lễ hội và yêu cầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra những hành động phản cảm trong lễ hội.

Việc đề nghị các địa phương điều chỉnh, thậm chí khu biệt các lễ hội có những nghi lễ phản cảm, Bộ có tham khảo ý kiến của các nhà văn hóa?

Bộ đã giao cho các cơ quan chức năng là Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra bộ, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa tiêu biểu. Tuy nhiên, không phải nhà khoa học nào cũng phải lấy ý kiến, tôi thấy nhiều người cũng có quan điểm rất khác nhau. Hiện nay, nhiều người vẫn phục dựng những lễ hội hiến sinh với màu sắc bạo lực. Rõ ràng một bộ phận những người tổ chức và người tham gia có những hành xử lệch chuẩn văn hóa nên mới xảy ra những việc như thế. Chúng ta vẫn nói Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mến khách, nhưng nhìn quanh lễ hội nếu thấy toàn máu me, chặt, chém, cướp... thì không ổn.

Đồng chí có nhận thấy vừa qua đã có một phong trào phục dựng lễ hội rất rầm rộ ở miền Bắc?

Đúng vậy. Thời gian qua dựa vào nhu cầu đời sống tinh thần, nhân dân một số địa phương muốn khôi phục lại các lễ hội trước đây đã bị mai một. Chúng ta đã trải qua thời chiến tranh, rồi trải qua thời bao cấp nghèo khó, đến nay khi đời sống đã ấm no thì nhu cầu về tinh thần trỗi dậy, đó là nguyện vọng chính đáng, nhưng rất cần thiết phải có sự chuẩn mực ở trong đó, hạn chế tính thương mại hóa trong lễ hội. Khi người ta đã thương mại hóa lễ hội thì người ta sẽ bất chấp hành vi nọ, hành vi kia, chỉ đặt nặng hiệu quả về kinh tế.

Các lễ hội được phục dựng có nhận được sự đồng ý của Bộ VH, TT và DL?

Bộ VH, TT và DL chỉ có ý kiến với những lễ hội mang tầm quốc gia (lễ hội Đền Hùng Phú Thọ), những lễ hội từ tỉnh trở xuống thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.

Lễ hội là của nhân dân, việc đưa những mệnh lệnh hành chính vào lễ hội có nhận được sự đồng thuận của người dân?

Không phải chờ đến khi người dân đồng thuận 100% thì chính quyền mới ra quyết định, mà cơ quan quản lý Nhà nước cần tham mưu, nghiên cứu đầy đủ, đồng thời phân tích được và chưa được để đề xuất. Tất nhiên là phải làm đúng quy trình, đúng pháp luật, tôn trọng, lắng nghe nhân dân. Nếu như tổ chức lễ hội mà mất mát lớn hơn thì phải có điều chỉnh. Tôi ví dụ như việc cấm đốt pháo và kinh doanh pháo trước đây, những người sản xuất, buôn bán pháo mất đi nguồn thu nhưng Chính phủ thấy rằng việc cấm đem lại cái lợi nhiều hơn cho xã hội thì sẽ cấm.

Các lễ hội đầu năm đang khiến các nhà quản lý rất đau đầu vì biến tướng quá nhanh. Có phải chúng ta đang bị động trước những hiện thực đang diễn ra?

Những tệ nạn của năm trước thì năm nay đã được chấn chỉnh một cách nghiêm túc, rõ ràng là việc rải tiền năm nay đã giảm hẳn nhưng chúng ta không thể tuyệt đối hóa mọi việc. Những biến tướng của lễ hội năm nay, sang năm mới có thể chấn chỉnh được, nhưng tôi nghĩ sẽ lại có những biến tướng khác. Đó là những yêu cầu, đòi hỏi việc quản lý Nhà nước phải có sự điều chỉnh nhanh nhạy, có quyết tâm hơn. Không thể cầu toàn và ngay lập tức mọi thứ được.

Trong lịch sử có ghi nhận nhiều lễ hội dù diễn ra thường niên nhưng chỉ những năm chẵn (5 năm/lần) mới tổ chức lễ trọng (thực hành đầy đủ các nghi lễ truyền thống vốn có). Trong quy hoạch lễ hội, do Bộ đang xây dựng có tính tới yếu tố giãn cách tần suất tổ chức lễ hội, ví dụ 5 năm/lần mới tổ chức lễ hội lớn, mới làm lễ trọng, để vừa nhằm tiết kiệm thời gian, tiền của vừa tăng giá trị của chính các lễ hội…?

Hiện nay, Bộ đang được giao thực hiện đề án quy hoạch lễ hội, qua căn cứ và nghiên cứu thực tế, Bộ sẽ có những tham mưu để làm sao giảm tần suất tổ chức, quy mô lễ hội nhưng đồng thời tăng giá trị tinh thần lên, hàm lượng văn hóa trong các lễ hội sẽ tăng lên. Việc này không phải dễ dàng, bởi lễ hội là nơi người ta vui chơi, đặc biệt với những nước nông nghiệp đặc thù như Việt Nam, thì đó chính là thời điểm nông nhàn, là lúc người ta du xuân, nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc mệt nhọc.

Hơn nữa, một số nơi lễ hội được coi là một nguồn thu của địa phương. Vì thế, một số yêu cầu mà Bộ đưa xuống đã được thực hiện không nghiêm khi tổ chức lễ hội. Như việc quản lý hòm công đức đã gặp khó khăn từ phía những người mà quyền lợi họ bị đụng chạm. Lễ hội cũng vậy thôi. Có những người nói rằng các địa phương đang tổ chức lễ hội như một ngành kinh tế mũi nhọn, vì thế không dễ gì người ta bỏ đi nguồn lợi của mình, nhưng dù thế thì các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ VH, TT và DL và các bộ, ngành liên quan phải yêu cầu các tỉnh, thành phố đảm bảo được những tiêu chí mà lễ hội đặt ra, đồng thời có những hình thức xử phạt, từ phạt hành chính đến phạt kinh tế, thậm chí là cách chức những người tham gia ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương ở đó nếu để xảy ra sai phạm. Rõ ràng, có trong tay công cụ quản lý Nhà nước mà không thực hiện thì phải xem lại năng lực. Chính quyền địa phương phải có chế tài rất cụ thể chứ đừng để khi làm xong lại xin lỗi suông. Lợi ích của một nhóm nào đó không thể bằng lợi ích của cả cộng đồng, của cả nước được.

Quy hoạch lễ hội vì thế mà có những cản trở nhất định nhưng không phải vì thế mà chúng ta không làm. Bộ VH, TT và DL sẽ có tham mưu, kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách quản lý tốt hơn về lễ hội.

Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Theo SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com