Những vướng mắc qua 5 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế ở tỉnh ta

07:06, 03/06/2013

Qua 5 năm thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn thấp so với bình quân chung của cả nước. Trong quá trình tổ chức thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập dẫn đến tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT. Nguyên nhân do sự phối hợp thực hiện của các ngành chức năng chưa chặt chẽ; nhận thức của người dân về tính ưu việt của chính sách BHYT còn hạn chế, chưa hình thành ý thức tham gia BHYT để được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và dự phòng rủi ro khi ốm đau, bệnh tật. Một số nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng không thực hiện, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trốn nộp, nợ tiền BHYT cho người lao động… Trong khi đó một số quy định về tổ chức, cơ quan thực hiện chính sách BHYT của Luật BHYT còn chưa cụ thể, các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng trong phân định trách nhiệm giữa các bên liên quan, thiếu chế tài xử lý những đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT nhưng không tham gia. Việc cấp, quản lý thẻ BHYT còn sai sót như: trùng đối tượng, có người được cấp 2, 3 thẻ BHYT do nhiều cơ quan có liên quan cùng đề nghị cấp. Thủ tục đổi thẻ, đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu còn chưa thuận lợi. Việc thanh, quyết toán và thanh lý hợp đồng khám chữa bệnh giữa cơ quan BHXH với các cơ sở khám chữa bệnh luôn chậm. Tỷ lệ chuyển tuyến khám, chữa bệnh lên Trung ương của đối tượng BHYT còn cao. Tại tuyến khám, chữa bệnh cơ sở là trạm y tế xã, phường, thị trấn vẫn còn thiếu cả về nhân lực đội ngũ bác sỹ, trang thiết bị.

Khám bệnh cho trẻ em tại Trạm y tế xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc).
Khám bệnh cho trẻ em tại Trạm y tế xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc).

Việc nâng cao chất lượng điều trị, bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT chưa đồng đều, công suất giường bệnh ở một số bệnh viện còn quá tải. Một bộ phận cán bộ y tế trình độ chuyên môn yếu, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân BHYT có lúc, có nơi chưa đúng mực, còn biểu hiện gây phiền hà. Việc tổ chức giám định, kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT còn gặp khó khăn do đội ngũ giám định viên tại các cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT còn thiếu, chuyên môn nghiệp vụ về chuyên ngành y hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công tác giám định, dẫn đến khó thống nhất giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH về chi phí khám chữa bệnh. Công tác giám định BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh mới chỉ chuyên sâu về giám định thủ tục hành chính, chi phí khám chữa bệnh BHYT để hoàn thiện mẫu biểu thanh, quyết toán chứ chưa dành nhiều thời gian làm công tác tuyên truyền, giải thích về chế độ, chính sách pháp luật BHYT cho người dân. Về vấn đề thanh toán giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh không chỉ chậm quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, chậm tạm ứng chi phí khám chữa bệnh BHYT do chi phí của kỳ trước chưa được thanh toán; mặt khác kinh phí tạm ứng cho công tác khám chữa bệnh của quý sau chưa được tính phần vượt trần và vượt quỹ của quý trước khiến các đơn vị y tế thiếu kinh phí để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Việc giải quyết tình trạng bội chi, vượt trần, vượt quỹ luôn phải chờ chỉ đạo của BHXH Việt Nam vì vậy rất chậm. Ngoài ra, vấn đề đồng chi trả 20% ở đối tượng thân nhân người có công, việc sử dụng giấy khai sinh, chứng sinh khi đi khám chữa bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi; cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nhiều biểu mẫu trong thanh quyết toán, trong chứng từ thanh toán với cơ quan BHXH; thủ tục khám chữa bệnh BHYT hiện còn phiền hà cho người bệnh. Sự phối hợp giữa ngành BHXH với ngành Y tế và các địa phương trong việc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật BHYT chưa được chặt chẽ, thường xuyên. Một số chính sách khác không đồng bộ với việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Chẳng hạn, theo Bộ tiêu chí quốc gia cũ về nông thôn mới của Chính phủ quy định thì tỷ lệ người dân các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng tham gia các hình thức BHYT chỉ có 40% dân số. Quy định này làm hạn chế sự quyết liệt trong chỉ đạo, vận động các đối tượng khu vực nông thôn, các hộ gia đình nông dân tham gia BHYT. Tháng 2-2013, chỉ tiêu này mới được thay đổi tăng lên 70%.

Để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, thời gian tới tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, trong đó BHXH tỉnh là đầu mối chủ trì trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nhằm tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của nhân dân về chính sách BHYT. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BHYT; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế cho đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 27-8-2012 về việc đẩy mạnh thực hiện Luật BHYT, đồng thời luôn dành sự quan tâm cho y tế. Riêng đối tượng cận nghèo, tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng từ ngày 1-1-2013 để đến hết năm 2013, 6,4% dân số hộ cận nghèo và 6,72% dân số thuộc hộ nghèo đều được cấp thẻ BHYT. Đối với BHXH tỉnh cần tập trung làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện tổ chức thực hiện Luật BHYT. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, trong đó BHXH tỉnh là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHYT. Nâng cao năng lực quản lý quỹ và chất lượng của hệ thống cung cấp dịch vụ y tế cho đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thực hiện chính sách BHYT, đảm bảo cấp thẻ BHYT và giải quyết kịp thời các chế độ đối với người tham gia BHYT; chủ động rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch BHYT toàn dân; đẩy mạnh công tác khai thác, phát triển đối tượng; tăng cường công tác giám định BHYT. Phân loại đối tượng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo hướng giảm tỷ lệ đăng ký tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên; nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, thanh tra, kiểm tra để khen thưởng kịp thời các đơn vị thực hiện tốt, xử phạt các đơn vị không thực hiện đúng Luật BHYT. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa 2 ngành BHXH và Y tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành chế tài đủ mạnh để mọi người dân đều phải tham gia BHYT. Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và các quy định pháp luật có liên quan như: đề nghị tạm ứng chi phí khám chữa bệnh thực tế được thẩm định của quý trước phải bao gồm cả phần vượt trần và vượt quỹ của cơ sở khám chữa bệnh đã được cơ quan BHXH xác định; rút ngắn thời gian thực hiện việc tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh. Bổ sung làm rõ vấn đề xác định quỹ định suất. Nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng HSSV từ 30% lên 50%; áp dụng cho đối tượng thân nhân người có công mức đồng chi trả 5% như đối tượng hưu trí. Trẻ em dưới 6 tuổi đi khám chữa bệnh bằng giấy tờ khác chỉ sử dụng đối với trường hợp dưới 3 tháng tuổi./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



các luật sư hà nội về thừa kế

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com