Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một yêu cầu quan trọng trong quá trình tổ chức sản xuất nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động (NLĐ), bảo vệ doanh nghiệp. Vì vậy, việc thi hành nghiêm túc pháp luật về ATVSLĐ là yêu cầu quan trọng để bảo đảm ATVSLĐ, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì sự phát triển bền vững.
1. Những kết quả đạt được
Những năm qua thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Ngoài hàng trăm làng nghề, đến nay, toàn tỉnh đã có 3 KCN, 17 CCN đi vào hoạt động, thu hút lực lượng lớn lao động sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Trong quá trình chỉ đạo phát triển sản xuất, công tác ATVSLĐ luôn được tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc. 18 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành 9 chỉ thị, 2 quyết định, 19 kế hoạch và trên 30 văn bản chỉ đạo về việc triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ (PCCN). Hằng năm, Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành; người sử dụng lao động, NLĐ và nhân dân về công tác ATVSLĐ-PCCN. LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh, các ngành quản lý sản xuất kinh doanh, UBND các huyện, thành phố cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, bình quân hằng năm trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 15 cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ-PCCN; 60 hội nghị sơ kết, tổng kết công tác ATVSLĐ-PCCN; 15 cuộc mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN; đẩy mạnh tuyên truyền trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh và hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở; phát 30 nghìn tờ rơi, kẻ vẽ 250 khẩu hiệu băng rôn, 15 panô, áp phích... tuyên truyền về Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN. Hằng năm, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 5 lớp huấn luyện về nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ LĐ-TB và XH các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cho trên 300 người; 15 lớp huấn luyện cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho trên 700 người; 20 lớp huấn luyện cho người vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và NLĐ làm các công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường cho 1.500 người. Các doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho trên 25 nghìn lượt NLĐ… Hầu hết các doanh nghiệp đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm; thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên từ tổ sản xuất; ban hành quyết định phân cấp trách nhiệm về công tác ATVSLĐ cho các chức danh theo quy định. Các doanh nghiệp đã thực hiện việc trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại; tiến hành kiểm định, đăng ký các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, các biện pháp làm việc đảm bảo an toàn được nhiều cơ sở quan tâm thực hiện nhằm ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra đối với NLĐ.
Ban quản lý CCN An Xá (TP Nam Định) thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN (Công an tỉnh) tổ chức huấn luyện công tác PCCN cho các doanh nghiệp. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp tư nhân ở các làng nghề chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN; NLĐ còn phải làm việc trong điều kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn, bệnh nghề nghiệp như làng nghề đúc nhôm Bình Yên ở xã Nam Thanh (Nam Trực); làng nghề đúc đồng Tống Xá (Ý Yên), làng rèn Vân Chàng, xã Nam Giang (Nam Trực) và một số cơ sở đóng tàu tư nhân tại các huyện Xuân Trường, Trực Ninh… Tình trạng làm thêm giờ liên tục và số giờ làm thêm quá 200 giờ/năm vẫn còn phổ biến ở các doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp không bố trí cho NLĐ nghỉ đủ 4 ngày/tháng và không thực hiện đầy đủ chế độ nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng có lương, nghỉ giữa ca làm việc… Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức làm việc 3 ca mà không bố trí để công nhân nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác; có doanh nghiệp không trả phụ cấp (30%) làm ca đêm cho NLĐ… Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tuy đã được quan tâm phòng ngừa, song vẫn diễn biến khá phức tạp. Trong 10 năm qua toàn tỉnh đã xảy ra 162 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 165 người bị nạn, trong đó có 37 người chết; 396 lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp, tập trung chủ yếu ở các Cty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, làng nghề.
2. Nguyên nhân và những giải pháp
Nguyên nhân của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là do người sử dụng lao động, NLĐ tại các đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ; vi phạm các tiêu chuẩn, quy trình quy phạm khi vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Môi trường lao động chưa thường xuyên được cải thiện. Một bộ phận người sử dụng lao động, NLĐ chưa quan tâm đúng mức đến các quy định của công tác ATVSLĐ, do đó ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và các nội quy, quy chế của doanh nghiệp chưa nghiêm túc nên tình trạng vi phạm kỷ luật lao động và các quy định về công tác ATVSLĐ còn xảy ra. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng trong việc chỉ đạo công tác ATVSLĐ chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên. Việc thực hiện chế tài xử lý sau thanh tra của các cơ quan Nhà nước chưa đủ mạnh để răn đe các doanh nghiệp vi phạm, phần nhiều mới dừng ở mức nhắc nhở... Bên cạnh đó, một số vướng mắc từ chính sách pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện như: thiếu quy định về ATVSLĐ riêng cho từng loại ngành nghề; một số ngành nghề công nghệ mới ra đời nhưng việc cập nhật, tiêu chuẩn hóa các chức danh nghề, nhất là các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm cùng chế độ phụ cấp bồi dưỡng chưa được quy định kịp thời; quy định về bồi dưỡng hiện vật tại chỗ theo ca làm việc rất khó thực hiện, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ. Quy định đối với các doanh nghiệp sử dụng trên 500 lao động trực tiếp phải có ít nhất 1 bác sỹ và 1 y sỹ, nhưng việc tuyển bác sỹ cho các doanh nghiệp rất khó khăn. Hiện nay, NLĐ làm việc trong môi trường nông nghiệp chưa thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về ATVSLĐ, nên khi tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp xảy ra thì chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết, xử lý gây thiệt thòi cho NLĐ. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các làng nghề rất đáng báo động, trong khi đối tượng này lại chưa được điều chỉnh trong pháp luật về ATVSLĐ.
Để khắc phục những tồn tại trên, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn và đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp, xử lý nghiêm đối với các vi phạm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật cùng tổ chức công đoàn thực hiện và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, tăng cường giáo dục ý thức kỷ luật, hướng dẫn các quy định của pháp luật cho NLĐ. Hệ thống các văn bản pháp luật cũng cần được sửa đổi, bổ sung một số quy định về ATVSLĐ như: mở rộng phạm vi điều chỉnh, tránh bỏ sót đối tượng tham gia ATVSLĐ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề; xây dựng quỹ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lấy từ quỹ này để bồi thường, đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp. Đưa những đơn vị sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường vào đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về ATVSLĐ, phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu để ô nhiễm môi trường gây ra bệnh nghề nghiệp cho NLĐ và ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân sống xung quanh. Quy định rõ hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc, định kỳ cung cấp thông tin về các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại doanh nghiệp để NLĐ biết và thực hiện. Quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATVSLĐ để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATVSLĐ. Tăng mức xử phạt đối với các trường hợp không tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về ATVSLĐ; không sử dụng trang bị bảo hộ lao động cá nhân trong khi làm việc...
Bài và ảnh: Vân Anh