Quảng Ninh: Đầu tư phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển

07:06, 21/06/2022

Để xây dựng Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển; đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Trong đó, đặc biệt quan tâm, phát triển khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) ven biển.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 KCN nằm trong quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020 và quy hoạch chung xây dựng các KKT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 12.899,5ha, trong đó 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích là 4.632,22ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 41,23%; 2 KKT ven biển; 3 KKT cửa khẩu đã được thành lập. Tổng diện tích đất theo quyết định thành lập của các KCN, KKT là 3.763,9km2 tương đương 376.390ha, tổng diện tích đất đã được giải phóng tại các KCN là 2.320,15ha.

Hải Phòng: Thành lập thêm 40 tổ chức Công đoàn cơ sở Khu kinh tế Hải Phòng

Đến nay, Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp Hải Phòng đã thu hút 436 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 19,8 tỷ USD; 193 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 285.823 tỷ đồng (tương đương 12,4 tỷ USD). Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc trong các doanh nghiệp nằm trong Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp Hải Phòng là 180.184 người, trong  đó 174.601 đoàn viên công đoàn, đạt 95,9% tổng số lao động.

Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng vừa tổ chức thành lập 40 Công đoàn cơ sở. Việc thành lập tổ chức Công đoàn sẽ cùng Ban lãnh đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ, đảm bảo việc làm, chăm lo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, từ đó nâng cao sự hài lòng và sự gắn bó của người lao động với công ty, không để xảy ra đình công, ngừng việc tập thể tại doanh nghiệp.

Thái Bình: Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được thương hiệu gạo mang tên Thái Bình

Thái Bình là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng, với diện tích gieo trồng hàng năm gần 150 nghìn ha, năng suất ổn định từ 131-132 tạ/ha/năm, sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn/năm. Toàn tỉnh đã thành lập mới được 8 HTX kinh doanh nông sản, có hơn 1.300 nông dân tập trung tích tụ ruộng đất quy mô lớn, trong đó diện tích tích tụ quy mô từ 2ha trở lên đạt trên 4.800ha.

 Hiện tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 thương hiệu gạo như: gạo làng Giắng, gạo Nếp Keo, gạo Chợ Gốc, gạo 3T… tuy nhiên chưa xây dựng được thương hiệu gạo chung cho tỉnh. Thái Bình phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ diện tích lúa có liên kết sản xuất đạt 30-40%, tương đương khoảng 50-60 nghìn ha; diện tích lúa chất lượng cao đạt 50-60%; xây dựng được thương hiệu gạo mang tên Thái Bình./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com