Đến thời điểm này, tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có 115 doanh nghiệp với tổng số trên 3.400 lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ). Mô hình này đã giúp các doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”: vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh; vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Thế nhưng, việc thực hiện mô hình này trong khoảng thời gian dài đang bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho công nhân lao động trong các KCN, công nhân “ở tuyến đầu” sản xuất tại những đơn vị thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp có số lượng công nhân nhiều, đối tượng lao động ở vùng dịch; thực hiện cắt giảm tối đa các thủ tục, giấy tờ hành chính không thực sự cần thiết; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Hà Tĩnh: Nỗ lực khuyến học, khuyến tài trong mùa dịch
Với phương châm vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, thời gian qua, các cấp Hội Khuyến học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập… Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 141.256 gia đình đăng ký “Gia đình học tập” (chiếm 84,8%); có 1.690 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập” (chiếm 81,25%); có 829 cộng đồng đăng ký “Cộng đồng học tập” (chiếm 94,2%); có 803 đơn vị đăng ký “Đơn vị học tập” (chiếm tỉ lệ 98,04%). Riêng việc triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình “Công dân học tập” giai đoạn năm 2021-2030, đến nay toàn tỉnh có 72 thôn, bản, khu phố của 24 xã, phường, thị trấn ở 8 huyện, thị xã, thành phố tham gia; có 217 người được giám sát tham gia thí điểm mô hình “Công dân học tập” (có 151/217 người đạt tiêu chí của mô hình)…
Lạng Sơn: Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình mới, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi. Nhờ các giải pháp thiết thực, thông qua các mô hình khuyến nông, trung tâm đã đưa các tiến bộ khoa học công nghệ đến gần với người dân; giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, mặc dù các mô hình khuyến nông đã kết thúc nhưng 70% mô hình hiện vẫn được nhiều hộ dân duy trì thực hiện và mở rộng sản xuất như: mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học./.
PV