Trong quý I/2021, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu phục hồi khi sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… đều tăng trưởng khá tốt. Hoạt động thu ngân sách trên địa bàn theo đó cũng ghi nhận con số tăng trưởng tích cực. Ngoại trừ dầu thô, hầu hết các khoản thu ngân sách khác đều tăng đáng kể so với cùng kỳ. Một điểm đặc biệt trong kỳ thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần này, đó là các khoản thu về nhà, đất có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu thống kê cho thấy, các khoản thu về nhà, đất mang về cho ngân sách thành phố 3.351 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng tới 66,5% so với cùng kỳ 2020. Dữ liệu này phù hợp với diễn biến tình hình thị trường khi bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu sôi động trở lại. Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong 3 tháng đầu năm 2021 ước đạt 104.065 tỷ đồng, đạt 29,2% dự toán và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, thu cân đối ngân sách địa phương 3 tháng đầu năm 2021, ước đạt 20.601 tỷ đồng, đạt 25,1% dự toán, chiếm 19,8% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn và giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm 2021, dự toán tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 364.893 tỷ đồng, giảm 10,1% so dự toán năm 2020 và giảm 1,7% so với thực hiện năm 2020.
Hà Giang: Ðổi mới mô hình kinh tế vườn
Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, chương trình cải tạo vườn tạp sẽ giúp hơn 6.500 hộ gia đình phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp người dân thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm hơn 37% dân số toàn tỉnh, chủ yếu tập trung khu vực nông thôn.
Ðể giúp người dân phát triển kinh tế nông nghiệp, tháng 12-2020, Ðảng bộ tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ; với giải pháp trọng tâm là đổi mới tư duy sản xuất, thay thế diện tích vườn tạp, vườn trồng cây hỗn giao bằng những mô hình sản xuất tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Sau thời gian ngắn triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được người dân ủng hộ. Trong năm 2011, tỉnh triển khai thí điểm ở tất cả 11 huyện, thành phố với 356 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Những hộ này sẽ được vay vốn lãi suất 0%, số tiền vay từ 10 triệu đến 30 triệu đồng, thời gian vay từ 24 đến 30 tháng để cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ.
Ninh Thuận: Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó đưa tỉnh sớm trở thành điểm đến hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Thời gian qua, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, vừa phát huy thế mạnh tự nhiên, văn hóa bản địa của các dân tộc, vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tiểu, thủ công nghiệp, nông nghiệp tại chỗ.
Năm 2021, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 200 nghìn lượt. Ðể đạt mục tiêu, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ, đồng thời huy động các nguồn lực, ý tưởng từ các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án phát triển du lịch, trong đó chú trọng vào du lịch cộng đồng. UBND tỉnh tiếp tục triển khai Ðề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2019-2022. Các địa phương nằm trong đề án được đầu tư về hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng nhà sàn, nhà cộng đồng, cải tạo cảnh quan môi trường để phục vụ du lịch. Cùng với đầu tư hạ tầng, tỉnh hỗ trợ tập huấn, đào tạo kỹ năng cho người dân làm du lịch, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm điểm đến an toàn và xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch của các địa phương./.
Theo baotintuc.vn