Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2-2021, tại Thủ đô Hà Nội. Việc xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Ðảng, toàn dân tộc là công việc cực kỳ hệ trọng.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN |
Ðại hội XIII của Ðảng chuẩn bị khai mạc trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Ðây cũng là thời điểm đặc biệt, khi đất nước có sự chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, trong đó có cả việc học tập ở trong nước và nước ngoài.
Tại Hội nghị lần thứ 15 (khóa XII) mới đây, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bổ sung một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp “đặc biệt” tham gia Ủy viên Trung ương chính thức; thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ðảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao.
Trước thềm Ðại hội XIII của Ðảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng không để lọt những cán bộ mắc những nhóm khuyết điểm Trung ương đã đề ra. Ðồng thời tin tưởng vào một nhiệm kỳ mới với đội ngũ cán bộ thực sự đủ đức, đủ tài, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tại mỗi kỳ Ðại hội Ðảng, công tác chọn lựa nhân sự cấp cao, những người gánh vác trọng trách của đất nước là vấn đề luôn được các tầng lớp nhân dân quan tâm đặc biệt và đặt nhiều kỳ vọng. Bởi đội ngũ lãnh đạo có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Ðảng và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong những năm tới.
Trong quá trình chuẩn bị Ðại hội XIII của Ðảng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng và nhiều lần nhấn mạnh đến công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23-4-2020 và Hội nghị Trung ương lần thứ 12 từ ngày 11 đến 14-5-2020 bàn về công tác chuẩn bị nhân sự, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về “Một số vần đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng”.
Trong bài viết của mình, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập toàn diện và phân tích sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng. Yêu cầu của công tác chuẩn bị nhân sự lần này; nội dung, phương pháp, quy trình, cách thức tiến hành và xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tiểu ban nhân sự.
Như vậy, nói đến công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng là nói đến việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026. Ðây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định vận mệnh của Ðảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong những năm tới.
Công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng được đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thật sự là một tập thể đoàn kết thống nhất, trong sạch vững mạnh; có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; tiêu biểu cho toàn Ðảng về trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật và gắn bó mật thiết với nhân dân.
Ðồng thời, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ cao cấp của Ðảng. Tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ Ðại hội XIII cũng tăng hơn so với nhiệm kỳ Ðại hội XII.
Cụ thể là: Tỷ lệ trẻ dưới 45 tuổi trên 10% (khóa XII là 9,5%); cán bộ nữ từ 10-12% (khóa XII là 10%); cán bộ là người dân tộc thiểu số từ 10-12% (khóa XII là 8,5%). Việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thực sự dân chủ, khách quan, công tâm và đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Dự thảo Văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh toàn diện cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ./.
Theo TTXVN