Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 16-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh với 420/428 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội.
Buổi chiều, tại Hà Nội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Trong phiên họp buổi sáng Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Một trong những nội dung chính được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ hay không.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi luật tạo sự đột phá trong quản lý giao thông, song các đại biểu cũng băn khoăn việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật có thể gây nên chồng chéo trong quản lý. Theo các đại biểu, giao thông đường bộ phải có 4 thành tố quan trọng là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ chỉ là mục tiêu để tham gia giao thông đường bộ, vì vậy, việc tách thành 2 luật là không hợp lý.
Các đại biểu cũng đặt vấn đề giao thông có 5 lĩnh vực là đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ. Nếu đường bộ tách thành 2 luật, thì sau này 4 lĩnh vực kia có tách hay không. Bên cạnh đó, tên gọi của luật được tách ra là Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ cũng chưa hoàn toàn chính xác. Theo đại biểu, việc bảo đảm ATGT không chỉ có ở quy tắc về ATGT mà còn có cả kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông.
Nhiều ý kiến cho rằng bảo đảm trật tự ATGT đường bộ không phải là một lĩnh vực riêng trong quản lý Nhà nước để có thể có luật chuyên ngành điều chỉnh. Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì giúp Chính phủ trong bảo đảm trật tự an toàn nói chung trên tất cả các lĩnh vực, tổng thể trật tự an toàn chung của toàn xã hội. Do đó Luật Giao thông đường bộ hiện hành dù không tách riêng nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT nhưng Bộ Công an cũng có trách nhiệm phối hợp. Mặt khác nếu tách riêng trật tự, ATGT đường bộ ra điều chỉnh thì các mảng khác như ATGT hàng không, hàng hải cũng phải tách ra.
Các đại biểu phân tích, vấn đề chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an cần được đánh giá tác động toàn diện khách quan, khoa học chứ không đơn giản như giải trình trong báo cáo của dự án luật. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở để xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, tách ra từ nội dung Luật Giao thông đường bộ hiện hành có sự khiên cưỡng, áp đặt, không có cơ sở khách quan khoa học, không thuyết phục.
Các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét không tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật và không chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an mà cần nghiên cứu tổng thể những vấn đề còn bất cập để tích hợp sửa đổi nội dung cho một dự án thống nhất là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)...
Phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ cho biết có 26 ý kiến và 4 tranh luận về dự án Luật tại phiên thảo luận. Các đại biểu tán thành cần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) năm 2008 để đảm bảo an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng và kết cấu giao thông hiện hành.
Nhiều ý kiến không đồng thuận với việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ vì 2 luật này có sự trồng chéo, trùng lắp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa luật phải đảm bảo hệ thống giao thông Việt Nam, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành; đồng thời cần rà soát kỹ về thủ tục hành chính, cấp giấy phép lái xe, sát hạch lái xe... sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam so với thế giới./.
PV