Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã xác định phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 ngành nông nghiệp sẽ có những sản phẩm chủ lực từ chè, cây ăn quả, rừng gỗ lớn và chăn nuôi. Tỉnh thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, trồng cây ăn quả tập trung ở các huyện Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình và thị xã Phổ Yên. Vùng chăn nuôi tập trung, trang trại ở các huyện có quỹ đất rộng như Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương… phát triển chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tỉnh cam kết thực hiện hiệu quả chính sách hiện hành về hỗ trợ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm. Để cụ thể hóa chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, tỉnh rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn tiếp theo. Mặt khác, tập trung đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các trung tâm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm OCOP; thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn vốn, nhất là khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường. Được biết, năm 2020, giá trị sản xuất chè của tỉnh ước đạt 5.580 tỷ đồng; cây ăn quả hơn 430 tỷ đồng; chăn nuôi đạt 3.696 tỷ đồng.
An Giang: Khởi động nhà máy điện mặt trời 3.000 tỷ đồng giai đoạn 2 ở vùng biên giới
Vừa qua, tại huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang), diễn ra lễ khởi động giai đoạn 2 của Nhà máy điện mặt trời Sao Mai, với công suất 106MWp, vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 được khánh thành, đưa vào hoạt động trong tháng 7-2019 (với công suất 104MWp, kinh phí đầu tư gần 3.000 tỷ đồng); góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, tăng nguồn thu ngân sách, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiếp nối thành công của giai đoạn 1, Tập đoàn Sao Mai triển khai đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy với công suất 106MWp, vốn hơn 3.000 tỷ đồng.
Đây là một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, do đó luôn được quan tâm, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Để có thể khởi công giai đoạn 2 của dự án như hôm nay là nhờ sự chủ động, khẩn trương của Tập đoàn Sao Mai; sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị của tỉnh… Đặc biệt là gần 200 hộ dân trong vùng dự án đã tích cực hợp tác để triển khai thực hiện.
Là địa phương có số giờ nắng trung bình năm ở mức tương đối cao, khoảng 2.400 giờ, An Giang rất có tiềm năng phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời. Sự thành công của dự án Nhà máy điện mặt trời Sao Mai sẽ là niềm cảm hứng cho các doanh nghiệp khác tiếp tục nghiên cứu, tham gia đầu tư, đánh thức tiềm năng điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian tới./.
Theo nhandan.com.vn