Gia Lai: Thu hút đầu tư khu vực tư nhân và FDI

07:09, 07/09/2020

Tỉnh Gia Lai nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,7% trong năm nay.

Một trong những nhóm giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này là đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết về quy hoạch hạ tầng, đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hút nguồn lực đầu tư mới từ các công ty FDI đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 515 doanh nghiệp và 529 chi nhánh thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 4.200 tỷ đồng; 26 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký 1.350 tỷ đồng; 56 dự án được đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất; 32 dự án đang hoàn thiện các thủ tục để được đồng ý chủ trương nghiên cứu và 14 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch với quy mô gần 1.200MW.

Cùng với giải pháp thu hút đầu tư, tỉnh Gia Lai kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc lập thủ tục đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến hết tháng 7, tỉnh đã giải ngân 1.600 tỷ đồng, đạt hơn 47% kế hoạch. Dự kiến, phấn đấu đến ngày 30-9 sẽ giải ngân hơn 60% và hoàn thành 100% vào cuối năm. Tỉnh chỉ đạo kiên quyết cắt hợp đồng đối với những đơn vị thi công yếu kém, kéo dài thời gian thi công; kiểm điểm xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu cá

Trước tình hình thời tiết cuối năm diễn biến khá phức tạp, đặc biệt sẽ xuất hiện nhiều cơn bão lớn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi có tình huống thiên tai xảy ra. Trước đó, tỉnh đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 74/KH-UBND về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Toàn tỉnh có 2.384 trong tổng số 2.901 tàu cá đã được lắp thiết bị giám sát hành trình. Qua đó, tỉnh quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tất cả các tàu cá trước khi ra biển phải bật, mở các thiết bị, phương tiện liên lạc. Tàu cá nào không tuân thủ quy định sẽ không được phép ra khơi. Đối với thiết bị giám sát hành trình, bắt buộc các tàu phải bật 24/24 giờ và xử phạt nghiêm những trường hợp tàu cá không chấp hành quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền như phát tờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn về Luật Thủy sản, hướng dẫn cứu nạn, cứu hộ trên biển; bắt buộc lắp thiết bị như ra-đi-ô, bộ đàm, áo phao, phao cứu nạn… Trường hợp có bão to, thiết bị ra-đi-ô sẽ thông báo 30 phút/lần, bão xa 1 giờ/lần để ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai. Sáu tháng đầu năm, sản lượng thủy sản khai thác trên toàn tỉnh đạt 184.107 tấn, tăng 4,28% so cùng kỳ năm 2019 và đạt 57% so với kế hoạch năm 2020./.

Theo nhandan.com.vn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com