Khai mạc Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

07:08, 10/08/2020

Sáng 10-8 Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Phiên họp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tái phát trở lại ở nước ta với những diễn biến phức tạp hơn. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở trực tiếp dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng với tâm thế bình tĩnh, quyết liệt, quyết tâm, tập trung cao độ chống dịch COVID-19, tăng cường kiểm soát lây nhiễm, xử lý triệt để các ổ dịch. Cùng với sự gian khổ, nỗ lực, dốc lòng, dốc sức của lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân, cộng đồng xã hội đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác, chủ động, chung tay góp sức cùng với chính quyền và các đoàn thể trong phòng chống dịch.

Về nội dung, chương trình phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10 đến 12-8.

Trong đó, thứ nhất, UBTVQH cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số  điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Thứ hai là cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau đối 4 dự án luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, gồm: dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Thứ ba, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); việc ban hành

Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội.

Thứ tư là cho ý kiến về chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 và Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Sau phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp, thảo luận về nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, và các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu, một lần nữa hoanh nghênh tinh thần cải cách mạnh mẽ của Bộ Công an. Bởi trên thế giới không còn bao nhiêu nước sử dụng sổ hộ khẩu trong khi nước ta để quá lâu nên đến lúc cần bỏ.

“Tôi ủng họ việc này. Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Ðừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà” - bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Từ quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ và Bộ Công an khẳng định có thể làm được để Luật có hiệu lực từ 1-7-2021 thì nên ủng hộ để có mốc thời gian phấn đấu. Trường hợp còn vấn đề lấn cấn thì khi đó Quốc hội có thể ra Nghị quyết gia hạn thêm. Với những điểm trong dự thảo còn ý kiến khác nhau thì trình Quốc hội cho ý kiến.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cần rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Thông tư, Nghị định có rất nhiều thủ tục hành chính liên quan giao dịch, hợp đồng, dịch vụ cần có Sổ hộ khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trước khi Luật có hiệu lực.

UBTVQH giao Uỷ ban Pháp luật, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com