Khánh Hòa: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi

07:05, 08/05/2020

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa” nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương. Tổng kinh phí dành cho đề án là hơn 6,7 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương và được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2023.

 Hội bài chòi dân gian do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức ở công viên bờ biển TP. Nha Trang. Nguồn: baokhanhhoa.vn
Hội bài chòi dân gian do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức ở công viên bờ biển TP. Nha Trang. Nguồn: baokhanhhoa.vn

Đề án tập trung các giải pháp đồng bộ, khả thi, triển khai thực hiện các nội dung tại sáu huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, cùng bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa lâu dài và bền vững của loại hình nghệ thuật này. Khánh Hòa phấn đấu đạt 90% số tài liệu, hiện vật sưu tầm về các kịch bản, tuồng, tích, nhạc cụ, trang phục được tư liệu hóa để lưu trữ, bảo quản, trưng bày phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá tại Bảo tàng tỉnh. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, bảo tồn, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi, tạo môi trường hoạt động cho các nghệ nhân. Đồng thời tích cực phát hiện để kịp thời bồi dưỡng tài năng, góp phần giữ gìn loại hình nghệ thuật đặc trưng ở khu vực duyên hải miền Trung trong vốn nghệ thuật bài chòi của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bến Tre: Thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp

Hướng tới mục tiêu xây dựng Bến Tre thành “địa phương khởi nghiệp”, UBND tỉnh tập trung thực hiện những giải pháp căn cơ, quyết tâm thực hiện thành công Chương trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình ở ngành, địa phương; quan tâm tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp; tập trung truyền thông khởi nghiệp, chú trọng chiều sâu, đa dạng nội dung; tổ chức các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, qua đó tìm kiếm, phát hiện các nhân tố mới. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất.

Bến Tre đã có kế hoạch khảo sát, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh làm nền tảng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, gắn với vận hành hiệu quả không gian đổi mới sáng tạo Mê Công (Mekong Innovation Hub). Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, du lịch thông qua các chương trình gắn với cam kết đầu tư.

Theo Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, chương trình đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp với đầy đủ các thành tố, tạo tiền đề cơ bản để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Sau bốn năm, tỉnh Bến Tre có 1.523 đơn vị trực thuộc và 2.075 doanh nghiệp thành lập mới. Từ nhiều nguồn vốn, tỉnh đã hỗ trợ, cho vay được 1.920 dự án của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, với tổng kinh phí 5.291 tỷ đồng./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com