Theo Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai, địa phương này đã đặt ra mục tiêu tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2020 là từ 8% đến 9%; Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong nội bộ ngành theo hướng tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… Theo đó, công nghiệp công nghệ cao chiếm 5,5% đến 6% và công nghiệp hỗ trợ chiếm từ 21% đến 23% giá trị sản xuất công nghiệp. Đồng thời, duy trì tỷ trọng cao của các ngành công nghiệp chủ lực. Cùng với đó, Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, đề xuất các phương án phát triển đến năm 2025,
có tính đến năm 2035 nhằm tạo mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh có gần 610 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất sản phẩm đầu vào cho ngành giày dép, dệt may, điện tử, cơ khí chế tạo... Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh có giá trị sản xuất chiếm hơn 21% tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Đồng Nai cũng là nơi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong cả nước và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tỉnh này chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.
Quảng Bình: Ưu tiên hỗ trợ ba nhóm đối tượng khó khăn do dịch
Trong khi nhiều địa phương trong cả nước đã tiến hành cấp phát tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP, thì tại Quảng Bình việc làm này tương đối chậm. Dự kiến đến ngày 20-5, ba nhóm đối tượng khó khăn đầu tiên mới được nhận tiền hỗ trợ. Ngày 13-5, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Quảng Bình cho biết, tổng số đối tượng trong tỉnh dự kiến được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP là hơn 230 nghìn người, với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn, do quá trình rà soát, điều tra, lập danh sách bảy nhóm hộ gặp một số khó khăn và địa phương thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ, nên tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương trước mắt ưu tiên hoàn thành danh sách ba nhóm: người có công; người đang hưởng trợ cấp xã hội; hộ nghèo và cận nghèo để cấp phát tiền trong tuần sau. Dự kiến ba nhóm đối tượng này có 170 nghìn người, số tiền hỗ trợ khoảng 170 tỷ đồng.
Hà Nội: Hơn 4.000 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% - mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm qua. Không ít doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, tạm ngừng hoạt động.
Ba tháng đầu năm có 4.240 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động (tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái); số lao động thất nghiệp nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp hơn 13.200 người. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp để hạn chế tác động của dịch bệnh. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp./.
Theo dangcongsan.vn