Tổng cục Thống kê cho biết, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong tháng 4, cả nước có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 93,9 nghìn tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy trong tháng 4, cả nước cũng có 3.810 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu cho thấy một bộ phận doanh nghiệp đang tái khởi động để chuẩn bị đón cơ hội kinh doanh mới khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 445,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 315,7 nghìn lao động, giảm 13,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,9% về vốn đăng ký và giảm 29,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 680 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 11,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 1.126 nghìn tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 17,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,1% so với 4 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng lên 55,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 13,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 4 tháng đầu năm có 558 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước; có 10,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 10,7%; có 26,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 14,3%. Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động có duy nhất ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 527 doanh nghiệp, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác…
Trong 4 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 14 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2%; trong đó, có 2.903 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 5.277 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.776 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Cũng trong 4 tháng đầu năm có 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 4,6 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4,5%; 75 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 8,7%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH và ĐT) Phạm Quang Vinh, sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động toàn cầu.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động; đặc biệt, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Do vậy, ông Vinh cho rằng, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hơn bao giờ hết cần chung tay kiểm soát dịch bệnh đồng thời từng bước ổn định và phát triển kinh tế./.
Theo baotintuc.vn