Hà Nội: Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2019

07:05, 05/05/2020

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1752/QĐ-UBND phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các sở và cơ quan ngang sở; UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố. Theo quyết định này, Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của 22 sở, cơ quan ngang sở thuộc thành phố trung bình đạt khoảng 72% trở lên, trong đó cao nhất là Sở Nội vụ (86,93%), Văn phòng UBND thành phố (86,72%), Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố (86,63%)... xếp cuối bảng là Sở Quy hoạch - Kiến trúc đạt 73,39%, Sở Ngoại vụ đạt 71,97%. Đối với UBND 30 quận, huyện, thị xã, Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 trung bình đạt từ 83% trở lên, trong đó quận Cầu Giấy có chỉ số cao nhất (95,61%), tiếp đến các quận Long Biên (95,56%), Đống Đa (94,93%)… Đứng cuối bảng là huyện Ba Vì đạt 84,55%, huyện Ứng Hoà đạt 83%. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, căn cứ Chỉ số cải cách hành chính năm 2019, các sở, cơ quan ngang sở; UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện Chỉ số cải cách hành chính những năm tiếp theo.

TP Hồ Chí Minh: Khẩn trương chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đến các đối tượng thụ hưởng

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã tiến hành chi tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ. Hiện, nhiều phường, xã đã chuyển trực tiếp số tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng hoặc đến tận nhà chi trả hỗ trợ cho các trường hợp chính sách; chi trả trực tiếp tại cơ quan hoặc tại nhà các trường hợp hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn. Đối với công nhân, người lao động bị ngừng việc, mất việc tại các doanh nghiệp thì Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao thành phố kiểm tra, giám sát và có hình thức chi trả phù hợp. UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các gói hỗ trợ của Chính phủ phải bảo đảm đến với các đối tượng thụ hưởng kịp thời, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, nội dung, đối tượng hỗ trợ; không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng.

Thừa Thiên - Huế: 4 tháng đầu năm xuất khẩu 248 triệu USD

Trong 4 tháng đầu năm, tuy bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thừa Thiên Huế vẫn ước đạt 248 triệu USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ (đạt 24% kế hoạch), trong đó, xơ sợi chiếm 20% (giảm 47,4%), hàng may mặc chiếm 36% (giảm 49%), gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 17,5% (tăng 12,8%).

Sở KH và ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4 của tỉnh ước đạt 65,26 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng trước và giảm 55,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 248 triệu USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ, tương đương 24% kế hoạch. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 33,7 triệu USD, tăng 15,1% so với thực hiện tháng trước và giảm 29,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 126,9 triệu USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ, đạt 21% so với kế hoạch (trong đó nguyên phụ liệu dệt may chiếm 72%, giảm 24,6%). Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu là phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và sẵn sàng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế./.

PV
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com