Ngày 16-3, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị bàn các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng thời đề xuất UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, như: giãn nợ vay ngân hàng, giảm lãi suất vay, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp thuế, nộp tiền bảo hiểm xã hội; chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho lao động tạm thời nghỉ việc. Ngoài ra, các ngành cần có biện pháp hỗ trợ lao động người nước ngoài đã có giấy phép lao động được nhập cảnh; đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu; kết nối mua khẩu trang, thiết bị y tế phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp thuộc khu vực làng nghề đổi mới mô hình hoạt động... Theo đó, tỉnh sẽ tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại và thanh toán điện tử; đồng thời rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh có biện pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xử lý vướng mắc về lao động, tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài; hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19…
TP Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai
Trước dự báo tình hình thiên tai năm 2020 diễn biến khó lường, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề xuất các biện pháp thích hợp, bảo đảm an toàn tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao đã được công bố; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân sinh sống chung quanh biết và chủ động phòng, tránh; đồng thời tổ chức thực hiện quy trình nhắn tin cảnh báo thiên tai cho các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn thành phố… Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh duy trì nghiêm chế độ trực, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị thường trực để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, cứu sập, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai. Các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông không phép, trái phép, gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch của tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và vùng biển Cần Giờ. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm hoàn chỉnh phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tương ứng với từng loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro; tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và đề xuất giải pháp xử lý đối với các nhà ở, chung cư cũ, xuống cấp./.
Theo nhandan.com.vn