Long An: Nông dân sẵn sàng phương án đón lũ muộn sắp về

08:09, 10/09/2019

Tỉnh Long An đã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra.

Trước thông tin từ Ủy hội sông Mekong quốc tế, nước lũ sông Mekong sẽ về đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong vài ngày tới, đến thời điểm này nông dân khu vực Đồng Tháp Mười tỉnh Long An đã hoàn thành việc thu hoạch gần 90% diện tích lúa, tiến hành làm đất sẵn sàng các phương án đón lũ.

Vụ hè thu năm nay, các huyện đầu nguồn của Long An có khoảng  300 nghìn ha được gieo sạ thì đến thời điểm này đã cơ bản thu hoạch xong. Riêng khu vực Đồng Tháp Mười còn hơn 10 nghìn ha lúa đang tiến hành thu hoạch. Một số nông dân đang cải tạo đất để triển khai mùa vụ mới. Trước thông tin sẽ có lũ về trong vài ngày tới bà con rất phấn khởi.

Hiện khu vực Đồng Tháp Mười của Long An chỉ còn 10.000 ha lúa, đang tiến hành thu hoạch
Hiện khu vực Đồng Tháp Mười của Long An chỉ còn 10.000 ha lúa, đang tiến hành thu hoạch.

Mùa lũ năm nay về muộn hơn 1 tháng, đến thời điểm này, mực nước lũ tại các huyện khu vực Đồng Tháp Mười vẫn còn thấp hơn 1,0m so với cùng kỳ. Dự kiến đợt lũ về đến khu vực Tân Châu - An Giang rồi về đến khu vực Đồng Tháp Mười sớm nhất khoảng 1 tuần nữa.

Hai huyện đầu nguồn là Tân Hưng, Vĩnh Hưng và các địa phương khác trong khu vực như: Mộc Hóa, Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hóa cũng đã có các phương án đón lũ, tổ chức tuần tra canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống dưới đê. Đặc biệt là các tuyến đê bao vùng thượng nguồn; chủ động tiêu úng đảm bảo an toàn, để giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ, nhất là trong nuôi trồng thủy sản.

Chủ động ứng phó và hỗ trợ bà con khi tình hình lũ có diễn biến phức tạp, ngoài các ngành chức năng của tỉnh các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn cũng đã chủ động các phương án giúp dân gia cố đê điều... Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đỉnh lũ năm 2019 đến muộn so với trung bình nhiều năm, xuất hiện khoảng nữa đầu tháng 10-2019, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao vẫn có thể xảy ra.

Trước tình hình này, tỉnh Long An đã có chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra.

Đồng Nai: Thu hút xây dựng mới 52 chuỗi liên kết sản xuất

Tỉnh Đồng Nai đang mời gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia xây dựng mới 52 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gồm các sản phẩm xoài, ngô, cam, quýt, thanh long, bưởi, rau, chôm chôm, chuối, hồ tiêu, sầu riêng. Các dự án này được tỉnh dự kiến hỗ trợ 558 tỷ đồng (vốn ngân sách 79 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng).

Để chuỗi liên kết phát triển bền vững, tỉnh xác định tập trung sản xuất theo quy mô lớn, cơ giới hóa ở tất cả các khâu để hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh; dự báo và kết nối thị trường tốt, ngày càng mở rộng thị phần, từng bước tham gia xuất khẩu; tạo liên kết chặt chẽ giữa các thành phần tham gia.

Trước đó, tỉnh Đồng Nai phê duyệt kinh phí hơn 731 tỷ đồng để thực hiện 16 dự án cánh đồng lớn, giai đoạn 2019-2020; đến nay đã thực hiện liên kết với 12 doanh nghiệp và 16 hợp tác xã với tổng diện tích hơn 5.520ha. Từ quá trình thực hiện chuỗi liên kết đã xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả tốt như: dự án cây ca-cao của Công ty Ca-cao Trọng Đức; dự án cây ngô tại huyện Cẩm Mỹ; dự án cây sầu riêng tại huyện Xuân Lộc; dự án cây điều tại Trảng Bom; dự án lúa tại huyện Xuân Lộc. Những dự án đi vào hoạt động đã tiêu thụ được 52.729 tấn sản phẩm các loại của hơn 3.000 hộ nông dân. Trong đó, mô hình cây ca-cao cho năng suất cao gấp 1,3 đến 1,5 lần so với sản xuất đại trà; mô hình sầu riêng VietGAP cho năng suất 17 đến 20 tấn/ha, tăng hơn năm tấn so với sản xuất thông thường./.

PV




BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com