Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm đến nay, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 14,4 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế đạt trên 3,3 triệu lượt khách, tăng 10,6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 50.242 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. |
Để tăng cường quảng bá hình ảnh, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác với mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền quảng bá Thành phố Hà Nội trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2019-2024. Trong giai đoạn này, CNN tiếp tục giới thiệu về Hà Nội dựa trên các nền tảng về giá trị văn hóa, lịch sử và con người thủ đô, cửa ngõ liên kết tới những điểm đến khác của đất nước.
Sở Du lịch Hà Nội triển khai các nội dung hợp tác giữa Sở Du lịch với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam về việc phối hợp tổ chức đón các đoàn khảo sát của Nhật Bản, Australia và châu Âu trong năm 2019; phối hợp tổ chức chương trình “Mùa hè châu Âu” tại khu vực nhà Bát Giác - Vườn hoa Lý Thái Tổ. Cũng trong thời gian này, Sở Du lịch Hà Nội xúc tiến xây dựng các sản phẩm du lịch vùng ngoại thành dựa trên việc khai thác tiềm năng du lịch tại các huyện, thị xã. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Hà Nội tăng cường kiểm tra nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch như chèo kéo, bắt chẹt, ép giá, lừa đảo, cướp giật đối với khách du lịch tại khu vực phố cổ, phố đi bộ, khu vực Hồ Hoàn Kiếm…
Mặt khác, Sở Du lịch Hà Nội chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp khảo sát, xây dựng và kết nối các điểm đến dịch vụ du lịch trên địa bàn, trọng tâm là các điểm đến du lịch gắn với di sản, làng nghề có giá trị trên địa bàn thủ đô để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Hà Giang: Đẩy mạnh sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến thời điểm tháng 6-2019, tổng diện tích chè của Hà Giang đạt 20.626ha và được trồng tập trung tại 5 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; năng suất chè đạt bình quân 37,04 tạ/ha và sản lượng chè búp tươi đạt trên 67.530 tấn/năm; trong đó có 7.153ha chè được cấp chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm 39,2% diện tích cho thu hoạch). Hiện chè Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho chè Shan tuyết Hà Giang.
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và nâng cao giá trị của sản phẩm chè, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm bền vững, tỉnh Hà Giang đã triển khai đề án phát triển chè theo hướng an toàn VietGAP và chè hữu cơ tại 5 huyện trồng chè đến năm 2020. Bước đầu triển khai thành lập 22 cơ sở sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại 5 huyện trồng chè, tổ chức các lớp tập huấn cho người nông dân tại các huyện trồng chè và các cơ sở chế biến chè theo hướng an toàn, xây dựng Trạm Quản lý chất lượng chè tại huyện Bắc Quang. Từ thực tiễn đó đã góp phần nâng cao kiến thức, trách nhiệm của người trồng chè và các cơ sở chế biến chè theo hướng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và chè hữu cơ./.
Theo chinhphu.vn