Ngày 12-6, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội thảo luận về hai dự án luật và biểu quyết thông qua một nghị quyết.
Buổi sáng, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Sau đó Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Cũng trong ngày 12-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Sáng 13-6, Quốc hội biểu quyết Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Với 91,32% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Luật gồm 17 Chương và 152 Điều, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, thay thế các luật: Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 sẽ hết hiệu lực.
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới được thông qua quy định, đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13; còn đối với các khoản tiền thuế nợ đến ngày 1-7-2020 thì được xử lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 28-5 về Luật Đầu tư công (sửa đổi), kết quả việc xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về ba vấn đề còn ý kiến khác nhau ngày 3-6; Quốc hội tiến hành biểu quyết với tỷ lệ 439/450 đại biểu có mặt tán thành, đạt 90,7% trên tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, gồm sáu Chương và 101 Điều, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, thay thế Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) được giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành. Theo đó, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia và Dự án quan trọng quốc gia.
Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 13-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Đã có hơn 20 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, đóng góp ý kiến đối với dự án Luật này.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập.
Dự án Luật Dân quân tự vệ sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy định.
Chiều 13-6, Quốc hội biểu quyết Luật Kiến trúc và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Theo đó Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua với 88,64% đại biểu tán thành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Luật Kiến trúc được thông qua có 5 chương với 41 điều quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.
Luật quy định nguyên tắc hoạt động kiến trúc; Về điều kiện hành nghề kiến trúc; nội dung quản lý Nhà nước về kiến trúc; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc. Luật cũng quy định, ngày 27-4 hằng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam./.
PV