Nhiều năm qua, để đáp ứng nhu cầu đọc sách của giáo viên và trẻ mầm non, các trường đã xây dựng góc sách cho mỗi lớp nhưng số lượng còn ít và không đa dạng. Tiếp nhận dự án xây dựng thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng của tổ chức UNICEF Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNICEF Hàn Quốc với sự tài trợ của Tập đoàn Samsung, Trường Đông Hội và Trường Tàm Xá (huyện Đông Anh) trở thành hai trường mầm non đầu tiên của Việt Nam có thư viện.
Mô hình thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng tại Đông Hội và Tàm Xá được thành lập nhằm tạo môi trường phát triển kỹ năng giao tiếp, vận động tinh, vận động thô, kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ cũng như tăng cường năng lực chăm sóc, giáo dục trẻ của giáo viên và phụ huynh học sinh. Khác với các thư viện thông thường, mô hình này chia thư viện làm nhiều góc nhỏ như góc đọc, góc văn hóa bản địa, góc nghệ thuật, góc khám phá khoa học, góc cha mẹ thông thái. Môi trường thư viện mở nối liền với khu vận động thể chất giúp trẻ biết tự lập kế hoạch các hoạt động vui chơi và học tập. Đặc biệt, mô hình thư viện dựa vào cộng đồng đẩy mạnh tương tác giữa trẻ em - giáo viên - cộng đồng và các nhà quản lý giáo dục. Không chỉ trẻ mầm non được thụ hưởng các kênh kiến thức từ thư viện, mỗi tuần nhà trường sẽ mở cửa chiều thứ 2 và chiều thứ 6 cho phụ huynh học sinh của địa phương sử dụng.
Đắk Lắk: Bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh
Bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh và có chiều hướng diễn biến phức tạp tại tỉnh Đắk Lắk. Theo ghi nhận của các ngành chức năng, trong 3 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 385 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm chủ động ngăn chặn, kiểm soát bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động đồng bào triển khai quyết liệt chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy; chủ động phun thuốc diệt muỗi ở khu vực tập trung đông dân cư, ổ dịch cũ; đậy kín nắp những dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thường xuyên kiểm tra đồ dùng trong nhà như: lọ hoa, chậu cảnh, bể chứa, đồ phế thải, huy động cả cộng đồng cùng tham gia phòng chống bệnh.
Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố, giám sát bệnh nhân tại các khoa truyền nhiễm; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế ở cơ sở, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Quảng Trị: Hơn 60 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới năm 2016
Nhằm tăng thêm nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, UBND tỉnh Quảng Trị đã phân bổ kế hoạch vốn năm 2016 từ nguồn ngân sách địa phương là 20 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương 40,2 tỷ đồng để thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh năm 2016.
Nguồn vốn trên được sử dụng cho đầu tư phát triển; cấp bù lãi suất; hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM năm 2015, 2016; phát triển sản xuất và ngành nghề, dịch vụ nông thôn; hỗ trợ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; chi phí cho công tác quản lý và chỉ đạo thực hiện chương trình các cấp; khắc phục ô nhiễm môi trường các làng nghề bị ô nhiễm nặng…
Đà Nẵng: Lần đầu tổ chức ngày hội văn hóa đồng bào Cơ Tu
Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng Thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2016), ngày 29-3, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Văn hóa dân tộc Cơ Tu - nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng” nhằm giới thiệu nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Đà Nẵng và Quảng Nam đến với người dân và du khách.
Tại chương trình này, các nghệ nhân người Cơ Tu tái hiện lại các nét văn hoá cồng chiêng và một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan mây tre, điêu khắc...
Đồng bào Cơ Tu là một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Cơ Tu sinh sống tập trung ở vùng núi phía tây tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Thành phố Đà Nẵng, một số ít sinh sống ở vùng Tây Trường Sơn.
Cộng đồng người Cơ Tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về mặt trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam./.
Theo dangcongsan.vn