Ngày 1-4, kỳ họp thứ 11 Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 10. Dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu QH đã dành thời gian cả ngày thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức. |
Thực phẩm bẩn ám ảnh nhiều gia đình
Lần đầu tiên, buổi thảo luận tại kỳ họp ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị đưa nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành một chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tới. Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) và nhiều đại biểu cho rằng “vấn nạn” này đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy. Đại biểu cảnh báo không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể bảo đảm quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân, không có một nền nông nghiệp sạch và thua ngay trên sân nhà trước các sản phẩm sạch ngoại nhập...
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lo lắng, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện người sản xuất đã sử dụng các chất cấm chỉ vì mục đích trục lợi. Nhiều vụ việc tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi vận chuyển, sử dụng chất để tạo nạc, chuối ngâm hóa chất để chín vàng đều, trộn chất vàng ô vào thức ăn nhằm tạo mầu vàng cho da gà, hay bơm nước vào lợn, bò để tăng trọng lượng, nội tạng động vật hôi thối được ngâm hóa chất và tẩy trắng... “Thực trạng vấn nạn thực phẩm không an toàn là nguyên nhân khiến bệnh ung thư ở nước ta tăng cao những năm qua và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt Nam” - đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.
Đại biểu Lê Thị Nga nhận xét, hành lang pháp lý cho an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ. Trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành cũng đã được phân định rất rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm diễn ra ngày càng nhiều, càng phức tạp. Nhiều ngành, nhiều cấp không thực thi đầy đủ nhiệm vụ, buông lỏng quản lý; cá biệt có trường hợp tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm mà không bị phát hiện, xử lý. Sự chia cắt, thiếu phối hợp trong quản lý dẫn đến khi có vụ việc xảy ra, ai cũng khẳng định mình làm đúng quy trình và cuối cùng không quy được trách nhiệm. Đại biểu thẳng thắn nêu thí dụ về chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ NN và PTNT cấm nhập, nhưng được Bộ Y tế cho phép nhập. Với số lượng lớn hơn 9 tấn trong hai năm, sau khi vào được nội địa, cơ quan chức năng đã không kiểm soát được “đường đi” của chất này. Có bao nhiêu tấn được dùng vào sản xuất thuốc, có bao nhiêu bị sử dụng sai mục đích, tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc? Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ: Y tế, NN và PTNT, Công thương và Công an làm rõ để trả lời công luận, báo cáo QH.
Nhiều đại biểu QH và người dân phản ánh các vụ ngộ độc, buôn bán chất cấm, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn vừa qua liên tiếp bị báo chí phanh phui, nhưng việc quy trách nhiệm cho công chức quản lý, chí ít cũng về hành vi “thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ” hiếm khi được thực hiện, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức liên quan trong lĩnh vực này từ Trung ương đến địa phương hằng năm đều được đánh giá là “hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Theo đại biểu Nga, thực phẩm bẩn còn có nguyên nhân chế tài không nghiêm dù mức phạt tối đa tới 200 triệu đồng, phạt gấp bảy lần giá trị hàng hóa vi phạm. Cho rằng không loại trừ có tiêu cực trong xử phạt và thực tế hiếm có trường hợp xử lý hình sự, đại biểu nêu thực tế có không ít người hoặc do thiếu hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận, đã bất chấp hậu quả đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng; vô cảm, thậm chí tàn ác khi trục lợi trên sự sống, chết của đồng bào mình. Đạo đức xuống cấp và pháp luật không nghiêm đã dung dưỡng cho họ. Trong khi đó, vai trò Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn mờ nhạt, chưa đủ sức để bảo vệ quyền lợi người dân...
Thực trạng rất báo động như vậy, nhưng trong nhiệm kỳ QH khóa XIII vẫn chưa tổ chức một cuộc giám sát tối cao hoặc tái giám sát của QH, giám sát của Ủy ban TVQH hay một phiên giải trình của ủy ban chuyên môn riêng về nội dung này, mới chỉ có chất vấn hoặc phát biểu riêng lẻ của các đại biểu QH. Đại biểu đề nghị để áp dụng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Bộ luật Hình sự mới với mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng, phạt tù cao nhất là 20 năm, Chính phủ cần sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng, minh bạch hơn về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hóa chất, kháng sinh, phương thức giám định xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thực phẩm bẩn gây nên.
Phòng, chống tham nhũng: Đừng sợ mất cán bộ
Những nội dung được nhiều đại biểu đề cập và mong muốn QH, Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới là phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí; cải thiện môi trường đầu tư; bảo vệ chủ quyền biển đảo... Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng trong các giải pháp cho 5 năm tới, Chính phủ cần đặt vấn đề PCTN, lãng phí lên vị trí hàng đầu, bởi tham nhũng, lãng phí là một mối nguy hiểm đến sự hưng thịnh của quốc gia. Theo đó, Chính phủ đánh giá công tác PCTN nêu như trong Báo cáo là chưa đủ mạnh và chưa đúng tầm. Nhiệm kỳ này QH cũng đã thông qua Luật PCTN nhưng triển khai chưa quyết liệt, trong khi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, quy mô, phạm vi không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế. “Chống tham nhũng còn nể nang, né tránh. Chống lãng phí thì kết quả rất yếu, chưa ai bị kỷ luật, sa thải” - đại biểu nói và nhấn mạnh phải coi PCTN, lãng phí “là nhiệm vụ đặc biệt, giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết tâm cao hơn”, vì thế, mong Thủ tướng Chính phủ mới khi nhậm chức cần tuyên thệ và thể hiện quyết tâm PCTN, lãng phí thật mạnh mẽ, “coi tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm, đấu tranh với nó với quyết tâm như quyết tâm bảo vệ Tổ quốc khỏi giặc ngoại xâm...”.
Nhiều đại biểu cảnh báo nạn nham nhũng không còn đơn lẻ mà có những mối liên kết khá vững chắc, không chỉ ở một cấp, một ngành mà ngày càng đông hơn. Nguy hiểm hơn, tham nhũng ở một khía cạnh nào đó đã trở thành việc bình thường, trở thành một thông lệ ở một số ngành. Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) kiến nghị để PCTN, lãng phí “phải làm từ trên xuống, từ trong ra ngoài, đừng sợ mất cán bộ. Cái chính là sự làm gương, sức mạnh phòng ngừa. Mất vài cán bộ nhưng làm gương cho nhiều người, dù đau xót nhưng đáng làm”. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, chống lãng phí nên bắt đầu từ việc nhỏ, cụ thể. “Nếu chống được lãng phí, QH sẽ không phải bấm nút thông qua các con số bội chi nữa, đất nước sẽ giàu lên và phát triển bền vững”, đại biểu nói.
Trình bày tại hội trường với bài phát biểu có tựa đề “Cần tạo lập môi trường sạch cho Việt Nam cất cánh”, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề nghị QH, Chính phủ có biện pháp cải thiện môi trường công vụ hơn nữa. Đại biểu cho rằng, chúng ta tha thiết tạo lập môi trường cho các nhà đầu tư, nhưng những chủ trương, chính sách tốt đẹp đã bị cách hành xử xấu xí tạo ra “những rào cản, những ba-ri-e” làm vô hiệu hóa. Nhiều nơi làm khó cho các nhà đầu tư như: cắt điện cắt nước, dựng rào chắn cổng; một số người thi hành công vụ vòi vĩnh nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. Đại biểu Lê Như Tiến thẳng thắn: “Mời gọi các nhà đầu tư, nhưng trên rải thảm dưới rải đinh, các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới...”. Theo đại biểu, “một khi cơ chế xin cho còn đất sống, thì người dân còn bị nhũng nhiễu”, vì thế, tạo lập môi trường sạch là nền tảng để Việt Nam cất cánh trong tương lai, là nhiệm vụ nặng nề mà nhân dân trao gửi cho QH trong nhiệm kỳ tới.
Quy hoạch sử dụng đất phải dựa trên nhu cầu thực tế
Đề cập đến sử dụng đất trong khu công nghiệp (KCN) và đất khu kinh tế (KKT), đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) và một số đại biểu cho rằng, hiện nay cả nước có 42 KCN, KKT, trong đó có 16 KKT ven biển, song thực tế các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao tuy đã được quy hoạch, nhưng chưa có phương án sử dụng. Cả nước hiện có 154.700ha đất được quy hoạch nhưng chưa đưa vào sử dụng, trong khi đó, việc đầu tư giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng đã được triển khai… Tuy có nhiều KCN, khu chế xuất, nhưng chưa có KCN chuyên về may mặc, chuyên về chế xuất, nhưng việc quy hoạch các KCN, KKT chưa dựa trên nhu cầu thực tế của các ngành, các lĩnh vực và chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Hơn nữa, việc định hướng phát triển các KCN thường giống nhau, cho nên dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh ở các địa phương. Thời gian tới, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự hợp lý về số lượng các KCN, KKT. Việc quy hoạch, xây dựng mới các KCN cần dựa trên hiệu quả KT-XH, lợi thế cạnh tranh, chú trọng quy hoạch theo vùng và tăng tính liên kết vùng; không nên đầu tư dàn trải, chia cắt theo địa giới hành chính. Đối với đất KKT, KCN, đề nghị Chính phủ rà soát để giảm diện tích, vì thời gian qua việc khoanh định diện tích tại các KKT quá lớn, vượt quá nhu cầu, không bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, hạn chế quyền của người sử dụng đất trong KKT, KCN.
Đề cập đến việc sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long từng được coi là vùng đất trù phú, vựa lúa của cả nước, nhưng hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cho nên 11/13 tỉnh trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long bị nước biển dâng, hơn 210 nghìn ha bị xâm nhập mặn, trong đó có 9/13 tỉnh công bố tình trạng thiên tai. Hiện nay, hơn một triệu người trên địa bàn thiếu nước ngọt; nắng nhiều dẫn tới khô hạn, thiếu nước ngọt, người dân gặp khó khăn trong nuôi trồng thủy sản, nhiều cánh đồng lúa bị chết cháy, hàng trăm km sông ngòi bị sạt lở… Nếu không có giải pháp hữu hiệu, đồng bằng sông Cửu Long từ vùng đất trù phú sẽ trở thành vùng đất thiếu đói... Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành cần quan tâm hỗ trợ kịp thời các tỉnh công bố tình trạng thiên tai; đầu tư nguồn lực cho các tỉnh xây dựng các đê bao, cống giữ nước ngọt; chỉ đạo quy hoạch lại đất nông nghiệp, xác định rõ nơi trồng lúa, nơi trồng thủy sản, góp phần ổn định sản xuất, đời sống của người dân và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Đại biểu Y Khút Niê (Đác Lắc) cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần quan tâm giải quyết nước sinh hoạt cho người và vật nuôi; có biện pháp căn cơ trong việc quy hoạch đất trồng rừng đầu nguồn, xây dựng hồ chứa nước, đi đôi với giúp người dân nơi đây thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Đại biểu Thào Xuân Sùng (Sơn La) đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về vấn đề này. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của các Cty lâm nghiệp; giải quyết dứt điểm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở, đất sản xuất; không để xảy ra tình trạng cầm cố đất đai…
Cũng trong phiên thảo luận, Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát tham gia báo cáo giải trình, trả lời về một số vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn được nhiều đại biểu QH quan tâm.
Ngày 2-4 là ngày làm việc thứ 11, kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII. Buổi sáng, các đại biểu QH nghe báo cáo về kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu QH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước và bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước… Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua các Nghị quyết về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Mở đầu phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, thay mặt Ủy ban TVQH đã báo cáo QH về kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu QH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Tiếp theo, với 87% tổng số đại biểu QH tán thành, QH đã biểu quyết thông qua danh sách bầu Chủ tịch nước.
Sau đó, QH tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Theo kết quả được công bố, số phiếu hợp lệ là 481 phiếu, trong đó, số phiếu đồng ý là 452 phiếu, bằng 91,50% tổng số đại biểu QH và căn cứ Nội quy kỳ họp QH, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Công an đã trúng cử chức vụ Chủ tịch nước.
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Tiếp đó, QH đã thông qua Nghị quyết này với 460 đại biểu tán thành, bằng 93,12% tổng số đại biểu QH.
Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước đã được tiến hành trang trọng. Tại lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Tôi xin chân thành cảm ơn QH đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, đồng bào và cử tri cả nước, tôi Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Thay mặt QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao bó hoa tươi thắm, cùng những tình cảm chân thành dành tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Phát biểu ý kiến sau khi tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, sẽ nguyện làm hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chân thành cảm ơn nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hết lòng, hết sức vì đất nước, vì nhân dân. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao bó hoa tươi thắm cùng những lời chúc tốt đẹp nhất dành tặng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đồng thời bày tỏ mong muốn, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Cuối phiên họp buổi sáng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, thay mặt Uỷ ban TVQH trình bày Tờ trình về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Uỷ ban TVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, QH thảo luận ở Đoàn đại biểu QH về việc miễn nhiệm các chức danh nêu trên.
Buổi chiều, sau khi Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng thay mặt Uỷ ban TVQH báo cáo QH kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu QH và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch QH, một số thành viên Uỷ ban TVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH, Tổng Kiểm toán Nhà nước; QH tiến hành miễn nhiệm các chức danh nêu trên bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Ban kiểm phiếu đã công bố kết quả kiểm phiếu. Theo đó, với đa số đại biểu đồng ý, QH đã miễn nhiệm chức vụ: Phó Chủ tịch QH đối với đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn; Ủy viên Uỷ ban TVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH đối với đồng chí Ksor Phước; Ủy viên Uỷ ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH đối với đồng chí Nguyễn Văn Hiện; Ủy viên Uỷ ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đối với đồng chí Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Uỷ ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH đối với đồng chí Nguyễn Kim Khoa; Ủy viên Uỷ ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH đối với đồng chí Đào Trọng Thi; Ủy viên Uỷ ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đối với đồng chí Trương Thị Mai; Ủy viên Uỷ ban TVQH đối với đồng chí Nguyễn Thị Nương; Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với đồng chí Nguyễn Hữu Vạn.
Tiếp đó, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày các dự thảo: Nghị quyết miễn nhiệm Phó Chủ tịch QH, một số Ủy viên Uỷ ban TVQH và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, một số Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Nghị quyết miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, QH đã thảo luận biểu quyết thông qua hai Nghị quyết nêu trên với đa số đại biểu QH tán thành.
Chủ nhật, ngày 3-4-2016, QH nghỉ làm việc.
Hôm nay, thứ hai, ngày 4-4-2016, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH nghe trình và thảo luận ở Đoàn về danh sách đề cử để bầu một số Phó Chủ tịch QH, một số Ủy viên Ủy ban TVQH; thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Buổi chiều, QH tiến hành bầu một số Phó Chủ tịch QH, một số Ủy viên Uỷ ban TVQH./.
Tin, ảnh: TTXVN