Sáng 7-3, tại Hà Nội đã khai mạc Phiên họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, chuẩn bị, hoàn tất các nội dung cho Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra trong tháng 3 này.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11 - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao...; cho ý kiến với các luật còn lại để khẩn trương thi hành Hiến pháp 2013, đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. |
Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong 5 năm tới, bao gồm các vấn đề về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tài chính trung hạn… Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là điểm mới trong hoạt động của Quốc hội. Trước đây, việc này sẽ được xem xét vào kỳ họp cuối của năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội. Lần này, Quốc hội quyết định cho ý kiến, xem xét, quyết định các vấn đề trên một cách kịp thời từ đầu năm để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ngay từ đầu năm. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ điều chỉnh một số chức danh nhân sự để bảo đảm hoạt động của Nhà nước được kịp thời, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương có quyết định về nhân sự sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Do tính chất quan trọng của Kỳ họp 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan sẽ làm tốt công tác chuẩn bị để Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội thành công tốt đẹp.
Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Bùi Quang Vinh trình bày các báo cáo: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của Bộ KH và ĐT nêu rõ: Nền kinh tế nước ta phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tác động rõ rệt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đến hết năm 2015, cả nước có khoảng 1.526 xã đạt chuẩn NTM (tương đương 17,1% tổng số xã); 15 huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân đạt 12,9 tiêu chí/xã, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Năm 2015 ước tạo việc làm khoảng 1,625 triệu người, vượt 1,6% kế hoạch năm; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 3,29%, đạt mục tiêu đề ra (dưới 4%). Các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%; riêng các huyện nghèo giảm còn 28%, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đánh giá 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được những thành quả quan trọng, hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện; nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ có bước phát triển; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được cải thiện; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Cải cách hành chính có bước tiến bộ; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; chính trị - xã hội ổn định; vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên.
Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 xác định: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế; giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước; nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để thực hiện mục tiêu, Bộ KH và ĐT xác định tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho thấy, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là 256 nghìn tỷ đồng, nếu so với GDP thực tế thực hiện, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước là 6,11% GDP.
Dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 Quốc hội quyết định đầu năm là 226 nghìn tỷ đồng, bằng 5,0% GDP. Sau khi được bổ sung 30 nghìn tỷ đồng giải ngân vốn ODA vượt thêm theo nghị quyết Quốc hội, bội chi ngân sách Nhà nước điều chỉnh là 256 nghìn tỷ đồng, bằng 5,71% GDP. Như vậy, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 vẫn nằm trong phạm vi dự toán điều chỉnh.
Điểm sáng trong thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là kết quả vượt thu ngân sách. Dự toán thu ngân sách Nhà nước Quốc hội quyết định là 911,1 nghìn tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện đạt tới 996,87 nghìn tỷ đồng, tăng 85,77 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,4% so với dự toán.
Sự phục hồi của thị trường bất động sản là điều kiện quan trọng để các địa phương làm tốt hơn công tác đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất và đẩy mạnh thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản. Cùng với đó, các cơ quan thuế cũng quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh từ hoạt động của nền kinh tế; đồng thời tập trung đôn đốc xử lý nợ đọng thuế và các khoản kiến nghị truy thu qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Nhờ vậy, thu từ nội địa được bảo đảm, bù đắp được khoản hụt thu do giá dầu thế giới giảm mạnh và liên tục duy trì ở mức giá rất thấp.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, năm 2015 có ý nghĩa to lớn và quan trọng vì là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 5 năm 2011-2015, cũng là năm tạo nền tảng cơ bản cho giai đoạn tiếp theo (2016-2020). Vì vậy những kết quả đạt được trong thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 cũng có ý nghĩa khép lại kế hoạch ngân sách Nhà nước 5 năm, biểu hiện rõ nét những thành tựu đạt được cũng như những mặt còn hạn chế của chính sách tài khóa trong giai đoạn này, đồng thời cũng thể hiện những xu hướng ở giai đoạn tiếp theo...
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ TN và MT trình bày báo cáo về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020. Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến các báo cáo quan trọng này.
Nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong cả ngày 7-3./.
Tin, ảnh: TTXVN