Hôm nay, 9-3: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Tan-da-ni-a, Mô-dăm-bích và I-ran

08:03, 09/03/2016

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa thống nhất Tan-da-ni-a Giôn Ma-gu-phu-li, Tổng thống nước Cộng hòa Mô-dăm-bích Phi-líp Gia-xin-tô Ni-u-xi và Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran Hát-xan Ru-ha-ni, hôm qua (8-3), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta đã lên đường chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a, Cộng hòa Mô-dăm-bích và Cộng hòa Hồi giáo I-ran từ ngày 9 đến 15-3-2016. Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông và châu Phi.

Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a là một trong những nước Đông Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ khá sớm vào ngày 14-2-1965.

Hơn 50 năm qua, Việt Nam luôn được lãnh đạo Tan-da-ni-a coi là tấm gương đấu tranh giành độc lập, giải phóng các dân tộc bị áp bức.

Cùng với các nước châu Phi khác, Tan-da-ni-a đã ủng hộ tích cực đối với Việt Nam những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Trên các diễn đàn quốc tế, Tan-da-ni-a cũng là một trong nước đi đầu ủng hộ Việt Nam vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO, trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009), thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014-2016), công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Hiện nay, với dân số khoảng gần 50 triệu người, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Tan-da-ni-a đang triển khai chiến lược “Nông nghiệp là hàng đầu”. Đây cũng là lĩnh vực mà Tan-da-ni-a mong muốn tăng cường mở rộng hợp tác với Việt Nam. Tuy vậy, do điều kiện địa lý xa xôi, quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Tan-da-ni-a vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của hai nước. Kim ngạch thương mại song phương mới chỉ đạt hơn 170 triệu USD.

Cùng với Tan-da-ni-a, Mô-dăm-bích là nước có nhiều thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và có quan hệ hết sức tốt đẹp với Việt Nam. Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 25-6-1975, cũng là ngày Mô-dăm-bích tuyên bố độc lập, tình đoàn kết truyền thống giữa 2 nước được vun đắp trong suốt hơn 40 năm qua, từ giai đoạn Mô-dăm-bích tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và Việt Nam đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên nền tảng quan hệ chính trị vững chắc, hợp tác kinh tế cũng như hợp tác trong một số lĩnh vực khác giữa 2 nước thời gian qua có những bước phát triển tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều đoàn chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam đã sang Mô-dăm-bích nghiên cứu và tìm hiểu đặc điểm thổ nhưỡng, giống lúa để hỗ trợ nông dân Mô-dăm-bích cải thiện kỹ thuật canh tác, nâng cao năng suất.

Hai nước cũng đã đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế thông qua việc trao đổi đoàn hằng năm. Về thương mại, mặc dù năm 2014, kim ngạch thương mại song phương Mô-dăm-bích - Việt Nam mới chỉ đạt 300-400 triệu USD, song đây là những con số lạc quan so với 10 triệu USD vào những năm 90 của thế kỷ trước. Do vậy, hai nước hoàn toàn có thể tin tưởng vào triển vọng hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực này.

Nằm ở phía Tây Nam châu Á, Cộng hòa hồi giáo I-ran có dân số gần 81 triệu dân. Là 2 quốc gia có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử, hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa 2 nước không ngừng phát triển.

Hai bên đã tiến hành trao đổi các đoàn cấp cao với nhiều chuyến thăm viếng lẫn nhau. Hai bên đã cùng chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế; ký kết nhiều biên bản, thỏa thuận hợp tác.

Năm 1993, hai nước đã ký thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Một loạt các Hiệp định sau đó ra đời như: Hiệp định hợp tác văn hóa năm 1999, Hiệp định vận tải biển năm 2002, Biên bản ghi nhớ mở rộng hợp tác thương mại năm 2007.

Những năm gần đây, Việt Nam và I-ran nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hợp tác trong bối cảnh I-ran bị các nước phương Tây cấm vận. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường I-ran tăng liên tục trong giai đoạn 2001-2008. Tuy nhiên, sau năm 2008, I-ran bị bao vây, cấm vận, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang I-ran giảm sút.

Đến năm 2015, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nước đạt trên 106 triệu USD. Sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện và chính thức triển khai thỏa thuận từ ngày 16-1-2016, LHQ và phương Tây dần dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với I-ran, nền kinh tế I-ran đang từng bước khôi phục.

Đây sẽ là điều kiện để Việt Nam và I-ran mở rộng tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trên nhiều lĩnh vực. Với vị trí, vai trò và tiềm năng to lớn của Tan-da-ni-a, Mô-dăm-bích và I-ran ở khu vực châu Phi và Trung Đông, trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ cùng lãnh đạo các quốc gia trao đổi các biện pháp thiết thực và cụ thể để tăng cường quan hệ hợp tác truyền thống và hợp tác nhiều mặt, đẩy mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng, xóa đói, giảm nghèo... đồng thời trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Trên cơ sở quan hệ ngoại giao tốt đẹp, được củng cố bởi nguyện vọng của nhân dân mỗi nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước Tan-da-ni-a, Mô-dăm-bích và I-ran, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, phát triển trong khu vực và trên thế giới./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com