Bảo đảm dân chủ trong bầu cử Quốc hội và HĐND

08:03, 07/03/2016

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có cuộc trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị và giám sát hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tới nay, công tác chuẩn bị bầu cử đã và đang được triển khai khẩn trương ở Trung ương và các địa phương; hiện đang trong giai đoạn các cơ quan, tổ chức, đơn vị qua hội nghị hiệp thương lần thứ nhất tiến hành giới thiệu người đại diện của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử.

Theo báo cáo từ các địa phương, các hoạt động đang được triển khai tốt. Tuy nhiên, có điểm vướng là thực tế phát sinh nhiều vấn đề và Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND chưa thể điều chỉnh hết được. Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp cần vận dụng sáng tạo Luật trên tinh thần dân chủ, khách quan, bình đẳng để phối hợp tổ chức tốt cuộc bầu cử.

Ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh việc bầu cử phải được tiến hành dân chủ. “Trong quá trình bầu cử, người tự ứng cử sau khi đã đầy đủ điều kiện cũng bình đẳng như những người được giới thiệu ứng cử, không có sự phân biệt”, ông nói.

Người tự ứng cử có thể lấy hồ sơ ứng cử ở website của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoặc đến Sở Nội vụ của Ủy ban Bầu cử các cấp trong tỉnh. Việc có được bộ hồ sơ ứng cử là hết sức bình thường. Điều quan trọng là người tự ứng cử nên cân nhắc, đối chiếu với những tiêu chuẩn của Luật Bầu cử ĐBQH, ĐBHĐND đã quy định để xem mình có đủ điều kiện ra ứng cử hay không.

Ông Pha khuyến nghị: “Người tự ứng cử cần thực sự nghiêm túc, tránh làm mất thời gian của MTTQ Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền”.

Ngoài ra, Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, với đối tượng tham gia là những người dân quen biết người tự ứng cử hoặc người được giới thiệu ứng cử là ĐBQH, ĐBHĐND.

“Theo quan niệm của MTTQ Việt Nam, khi người tự ứng cử không gương mẫu, không được tín nhiệm ở nơi cư trú thì không thể đại diện cho cử tri cả nước, của tỉnh được, vì vậy Mặt trận sẽ không thể đưa vào danh sách chính thức. Vì vậy, những người tự ứng cử phải hết sức nghiêm túc

nếu cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn hãy ứng cử chứ đừng làm theo phép thử để mất thời gian cả hai phía”, ông Pha nêu rõ.

Ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh chất lượng ĐBQH phải được đặt lên hàng đầu trên cơ sở bảo đảm cơ cấu được phân bổ. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, số lượng ĐBQH chuyên trách là 114 đại biểu, tăng 15 người. Đây cũng là lộ trình để tăng dần tỉ lệ ĐBQH chuyên trách trong các nhiệm kỳ tiếp theo và có thể tăng dần đến 50% để trong số 500 đại biểu sẽ có đến 250 ĐBQH chuyên trách.

Vấn đề nâng cao chất lượng ĐBQH là nhằm xây dựng bộ máy Quốc hội mạnh, đủ tầm trí tuệ để bàn việc nước, việc dân, đủ nhanh nhạy quyết đáp những việc hệ trọng của quốc gia.

Đối với một số ý kiến cho rằng số lượng đại biểu khối hành pháp trong Quốc hội vẫn nhiều (18 người), ông Nguyễn Văn Pha cho rằng đó là hợp lý vì trong số đó, có 3 người trong khối các cơ quan báo chí, 5 người trong thường trực Chính phủ, còn 9 người trong 30 bộ, ngành.

“Hoạt động của Quốc hội Việt Nam chưa phải là chuyên trách 100% quá trình làm luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, vì vậy, nếu không có những người ở cơ quan hành pháp thì Quốc hội sẽ không có đủ thông tin để xây dựng luật sát thực tiễn”, ông Pha cho hay.

Việc giảm các đại biểu khối hành pháp có thể thực hiện ở địa phương, như Chủ tịch UBND, giám đốc các sở để tránh tối đa việc các đại biểu này bỏ công việc của địa phương cả tháng trời vì tham dự họp Quốc hội.

Theo kế hoạch, ngày 13-3 tới sẽ là hạn chót để những ai tự ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND nộp hồ sơ tự ứng cử./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com