Ngày 8-1-2016, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2015, định hướng công tác năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp. Đến dự có các đồng chí: Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Hùng Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có lãnh đạo các ngành trong khối nội chính.
Toàn cảnh hội nghị. |
Năm 2015 và trong giai đoạn kỳ 2011-2015, dưới sự điều hành sát sao, kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, với những nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ các mặt công tác, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa cao, một số văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu ổn định, tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn phổ biến; hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn thấp, chậm đi vào cuộc sống; thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, việc công bố, công khai và thực thi thủ tục hành chính chưa nghiêm gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2016 và những năm tiếp theo, ngành Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, phát triển Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tình hình mới. Tổ chức thi hành hiệu quả Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai các bộ luật, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường đi vào cuộc sống. Tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, thực chất công tác THADS, hành chính; phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao. Nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, thừa phát lại…, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực tư pháp và pháp chế. Phát huy vai trò, hiệu quả tham gia của ngành Tư pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế. Đổi mới tổ chức bộ máy và tiếp tục kiện toàn nhân lực ngành Tư pháp phù hợp với Chiến lược phát triển ngành đến năm 2035; đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, tuân thủ kỷ cương, kỷ luật công vụ, sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương thành tích đạt được của ngành Tư pháp trong giai đoạn 2011-2015. Đồng chí đề nghị thời gian tới, ngành Tư pháp phát huy những kết quả đã đạt được trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị, nhất là nhiệm vụ xây dựng pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Tiếp tục tham mưu với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Hiến pháp năm 2013, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản có hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định theo các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền con người và quyền công dân phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội xây dựng và tổ chức, thực hiện tốt chương trình lập pháp của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến. Đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và nhân lực ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy cơ quan tư pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chế độ trách nhiệm; có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong lĩnh vực tư pháp./.
Văn Trọng