Điều hành ngân sách để giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế

08:01, 12/01/2016

Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 10-1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng nếu giá xăng, dầu xuống, phải điều hành thật tốt để bảo đảm chi phí đầu vào của nền kinh tế, doanh nghiệp giảm theo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm qua, giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh và được xem là cú sốc vào ngân sách của nước ta. Tuy nhiên, vào những ngày cuối cùng của năm, Bộ Tài chính công bố chỉ số cân đối ngân sách và bội chi vẫn trong mức cho phép của Quốc hội. Vậy Bộ Tài chính đã làm thế nào để giải quyết được bài toán khó là cân đối ngân sách năm qua?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc nghiên cứu ban hành các chính sách và triển khai pháp luật được Quốc hội thông qua, có hiệu lực trong năm 2015, ví dụ như Luật Thuế sửa đổi 5 luật thuế, hay biểu thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… Qua đó, điều chỉnh chính sách thu, tăng thu nội địa, giảm thu từ xuất, nhập khẩu và dầu thô.

Thứ hai là tập trung cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Trong điều hành, tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương phấn đấu tăng thu nội địa, bảo đảm hụt thu do giá dầu thô suy giảm. Cụ thể, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, nợ đọng, chống chuyển giá. Đến nay, kết thúc năm 2015, chúng tôi đã thu được 40 nghìn tỷ đồng nợ thuế của năm 2014 chuyển qua.

Trong điều hành ngân sách thì triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi thường xuyên để bảo đảm cân đối ngân sách và triển khai đồng bộ quyết liệt công tác quản lý giá theo nguyên tắc thị trường. Trong bối cảnh giá dầu thô giảm sâu, chúng tôi đã phối hợp với các ngành, địa phương quản lý đầu vào, giảm chi phí, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Với các giải pháp đồng bộ như vậy, kết thúc năm 2015, tổng thu ngân sách đã vượt so với dự toán Quốc hội giao đầu năm gần 8%. Đặc biệt, chúng ta không phải sử dụng 10 nghìn tỷ đồng đã báo cáo với Quốc hội thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để bù hụt thu ngân sách Trung ương do giá dầu giảm. Như vậy, chúng ta vẫn giữ được bảo đảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 theo kế hoạch đã đề ra.

PV: Thưa Bộ trưởng, bước sang năm 2016, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước tác động đến vấn đề thu chi ngân sách như thế nào?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Giá dầu thô trong dự toán năm 2016 đã được Quốc hội thông qua là 60 USD/thùng. Nhưng ngay từ đầu năm đến giờ, đặc biệt là những ngày gần đây, giá dầu thô thế giới rất thấp, xuống dưới 35 USD/thùng. Hơn nữa, việc cắt giảm lộ trình thuế quan 2016 theo các cam kết quốc tế sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Đây là hai yếu tố có thể nhìn thấy ngay, tác động vào ngân sách Trung ương.

Trước tình hình như thế, chúng tôi cũng đã xây dựng các kịch bản về giá dầu thô trong năm 2016 là 55, 50, 45, 40, 35, 30 USD/thùng để làm cơ sở điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Những giải pháp đã làm rất thành công trong năm 2015 như cắt giảm chi, điều chỉnh chính sách thu, hay tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế, gian lận thương mại sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm nay.

Đặc biệt là từ kinh nghiệm điều hành chính sách về giá cả. Nếu giá xăng dầu xuống, chúng ta phải điều hành thật tốt để bảo đảm chi phí đầu vào của nền kinh tế, doanh nghiệp, chi phí đầu vào của sản phẩm Việt Nam phải giảm theo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng nhất để tăng thu cho ngân sách Nhà nước trong tương lai.

PV: Thưa Bộ trưởng, nhiều người dân gửi thư về chuyên mục đánh giá cao việc giá xăng, dầu trong năm qua được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến giá dầu thô thế giới với tổng số lần điều chỉnh là 23 lần. Tuy nhiên, một số cũng bày tỏ sự băn khoăn tại sao giá dầu thế giới giảm 40% trong khi giá xăng trong nước bán lẻ chỉ giảm 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Giá dầu thô và giá xăng, dầu bán lẻ là hai khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau về tỷ lệ giá. Bởi lẽ, giá xăng, dầu bán lẻ bên cạnh giá dầu thô còn phụ thuộc vào chế biến, lưu thông, dự trữ và thuế liên quan tới xăng, dầu.

Theo tính toán của chúng tôi, chi phí dầu thô chỉ chiếm 40% trong giá bán lẻ xăng, 50% trong giá bán lẻ dầu. Như vậy, không thể so sánh việc giảm giá dầu thô khoảng 40% thì giá bán lẻ xăng, dầu cũng giảm tương ứng 40%. Bởi vì những chi phí sản xuất, lưu thông là những chi phí tương đối cố định và thậm chí trong điều kiện hiện nay còn tăng lên.

Chúng tôi đánh giá việc điều hành giá bán lẻ xăng, dầu trong nước cơ bản phù hợp với diễn biến giá dầu thô trên thế giới. So với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia thì giá xăng, dầu bán lẻ ở Việt Nam là khá thấp.

PV: Năm nay, định hướng điều hành giá xăng, dầu sẽ được thực hiện như thế nào?    

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi vẫn kiên định điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu. Quá trình này sẽ được cập nhật thường xuyên diễn biến giá xăng, dầu thế giới. Thứ hai, trong điều hành, phải bảo đảm thông tin minh bạch cao hơn. Thứ ba, tăng cường công tác, thanh, kiểm tra về giá bán lẻ xăng, dầu theo quy định của Chính phủ.

PV: Thưa Bộ trưởng, một doanh nghiệp gửi thư về chuyên mục phấn khởi cho biết, trong năm qua đã xây dựng một nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu nhờ huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp này mong muốn Bộ trưởng cho biết, năm nay Bộ Tài chính sẽ có các chính sách như thế nào để có thể huy động được các dòng vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 6,1% trong khi các nước trong khu vực đều giảm sút. Vốn hóa thị trường năm qua đã lên tới 57% GDP. Qua thị trường chứng khoán, đã huy động được 299 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu cho đầu tư phát triển.

Để bảo đảm thị trường phát triển và ổn định, Bộ Tài chính cũng đang triển khai một loạt các giải pháp trong năm tới. Thứ nhất, tập trung khơi thông nguồn vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Để làm được điều này, phải tập trung triển khai tốt, quyết liệt, hiệu quả Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có vấn đề “nới room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, triển khai các giải pháp nâng mức tín nhiệm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thứ ba là giảm thiểu các thủ tục hành chính để các nhà đầu tư tham gia thị trường thuận lợi.

Ngoài ra, tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung tăng nguồn cung và chất lượng nguồn cung cho thị trường. Vấn đề mấu chốt và hàng hóa quan trọng là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Giai đoạn 2011-2015, về mặt số lượng, đã thực hiện được 96% số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo Đề án của Chính phủ. Nhưng về mặt chất lượng, còn có doanh nghiệp bán được số lượng cổ phần thấp so với phê duyệt. Do đó, cần có giải pháp để nâng cao chất lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường chứng khoán. Ngoài ra, cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, tạo sự minh bạch ở thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com