Thanh Hóa: Đẩy mạnh cho ngư dân vay vốn đóng tàu

09:06, 12/06/2015

Ngày 10-6, tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) chi nhánh Thanh Hóa đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 18 tỷ đồng cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. 

Theo hợp đồng tín dụng, Agribank Thanh Hóa sẽ hỗ trợ ngư dân Trần Văn Thượng (xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia) vay vốn đóng mới một tàu gỗ công suất 811CV để phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu khoảng 15,962 tỷ đồng, trong đó Agribank hỗ trợ vốn vay 12,15 tỷ đồng, với thời hạn cho vay 15 năm.

Cùng ngày Agribank Thanh Hóa cũng đã ký kết với Cty CP Thương mại Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải (trụ sở tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia) đầu tư đóng mới tàu hậu cần nghề cá vỏ gỗ, công suất 829CV, tổng vốn đầu tư 8,856 tỷ đồng, Agribank cho vay 6,2 tỷ đồng với thời hạn 15 năm.

Được biết, 2 khách hàng ký kết hợp đồng tín dụng với Agribank chi nhánh Thanh Hóa đang hoạt động khai thác hải sản và hậu cần nghề cá đạt hiệu quả tốt có những đóng góp tích cực trong phát triển lĩnh vực khai thác và chế biến thủy sản của tỉnh, có khả năng về tài chính, có dự án khả thi đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Đà Nẵng: Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia

Theo thông tin từ Ban Đào tạo thuộc Đại học Đà Nẵng (đơn vị được Bộ GD và ĐT ủy quyền chủ trì cụm thi 27, kỳ thi THPT quốc gia 2015), về cơ bản, đã hoàn tất việc sắp xếp phòng thi, số buổi thi tại các Hội đồng thi.

Đặc biệt, đối với những môn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít, Đại học Đà Nẵng có chủ trương sẽ dồn thí sinh để giảm số lượng phòng thi cũng như nhân lực coi thi.

Một số môn có ít thí sinh đăng ký tại Đại học Đà Nẵng là Tiếng Nga (1 thí sinh), Tiếng Trung (6 thí sinh), Tiếng Pháp (39 thí sinh), Tiếng Nhật (73 thí sinh)… Thí sinh dự thi các môn này được bố trí tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú.

Về phía giáo viên chấm thi, ngoài các giảng viên thuộc các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng, Sở GD và ĐT Thành phố Đà Nẵng cũng đã chọn cử các giáo viên cơ hữu, có chuyên môn vững vàng đang dạy lớp 12 tại các đơn vị trường học tham gia chấm thi.

TP Hồ Chí Minh: Sẽ tiêu thụ 40% sản lượng vải thiều cả nước

Theo đăng ký của các đơn vị đầu mối với Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sản lượng vải thiều tiêu thụ tại đây sẽ đạt khoảng 80 nghìn tấn. Như vậy, với sản lượng cả nước được dự báo vào khoảng 200 nghìn tấn, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêu thụ được khoảng 40% lượng vải thiều.

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015, tổ chức ngày 10-6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã chỉ đạo Sở Công thương đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều.

Đến nay, theo báo cáo từ Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối, hệ thống bán lẻ và các doanh nghiệp đã chủ động đưa trái vải thiều vào tiêu thụ tại thị trường phía Nam.

Bà Trịnh Diệp Thanh Thảo, Phó Giám đốc Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức - đầu mối tiêu thụ nông sản lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã mở rộng thêm 33 ô dành riêng cho vải thiều để đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này. Ngoài ra, công tác an ninh, trật tự luôn được duy trì tốt, đảm bảo việc vận chuyển lên xuống của hàng hóa, cụ thể là mặt hàng vải thiều được diễn ra nhanh chóng, thuận tiện./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com