Thảo luận hai dự án luật; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng

08:06, 12/06/2015

Ngày 10-6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ mười bảy. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Buổi chiều, QH nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Khí tượng thủy văn (KTTV); thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Nhiều ý kiến đại biểu QH đánh giá cao việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc theo đúng yêu cầu về nội dung và tiến độ nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH và Kế hoạch của Chính phủ. Bộ luật Dân sự giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vì vậy việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất cứ một quy định nào cũng cần phải được cân nhắc thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động xã hội đầy đủ, toàn diện.

Tại phiên họp tổ, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều đại biểu QH quan tâm cho ý kiến về quy định tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Bộ luật, nêu "Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng". Các đại biểu: Phạm Văn Hà (Nghệ An), Phạm Đức Châu (Quảng Trị) lập luận: Tòa án có trách nhiệm giải quyết những vụ án dân sự là đúng và có thể thực hiện được. Còn đối với việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý. Nếu một sự kiện pháp luật chưa quy định thì tòa án không có căn cứ để công nhận hoặc không công nhận. Vì thế, đối với tòa án phải giải quyết những tranh chấp dân sự (vụ án dân sự) trong trường hợp pháp luật chưa quy định, còn việc dân sự chỉ được thụ lý giải quyết khi có pháp luật quy định. Mặt khác, Bộ luật Dân sự chỉ quy định chung về bảo vệ quyền dân sự, còn trình tự thủ tục để cá nhân, pháp nhân... khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ dân sự sẽ quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Cùng quan điểm này, theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), dự án luật buộc tòa án phải xét xử những vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng, thì tòa án sẽ căn cứ vào điều luật nào để làm việc này? Đại biểu cũng đề nghị, không nên quy định trong dự thảo Bộ luật những quy định dẫn đến sự tùy nghi trong áp dụng pháp luật. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) cho rằng, quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng là hoàn toàn phù hợp. Tinh thần của Hiến pháp năm 2013 quy định bảo vệ quyền con người, quyền công dân về trách nhiệm của tòa án trong việc "bảo vệ công lý"; phù hợp với quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Thực tế cho thấy, trong các quan hệ dân sự, khi hai bên không thể thương lượng được với nhau mới đề nghị tòa án giải quyết. Chung quanh Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về quyền nhân thân; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu và thời hiệu thừa kế...

Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013, với 84,44% tổng số đại biểu tán thành.

QH đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật KTTV. Báo cáo thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cho biết: Việc ban hành Luật KTTV nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo ra những thay đổi cơ bản trong công tác quản lý Nhà nước về KTTV. Về cơ bản, nội dung của dự thảo luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, làm rõ hơn các nội dung của dự thảo luật liên quan các công ước, điều ước quốc tế và các luật khác, bảo đảm phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời nghiên cứu, cụ thể hóa hơn nữa những điều khoản trong dự thảo luật để bảo đảm tính khả thi.

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) và nhiều đại biểu tán thành quy định về nguyên tắc hạch toán kế toán như dự thảo luật, đó là: Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả xác định được giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy, thì đơn vị kế toán được điều chỉnh lại theo giá trị hợp lý (giá thị trường tại thời điểm đánh giá). Theo phân tích của các đại biểu, nguyên tắc này bảo đảm phù hợp thực tiễn, phản ánh đầy đủ tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính, phản ánh đúng bản chất, giá trị của tài sản. Tuy nhiên, khi áp dụng, cần quy định cụ thể, chặt chẽ về tiêu chí, điều kiện để xác định các loại tài sản được điều chỉnh theo giá trị hợp lý, không để phát sinh các trường hợp ghi khống, ghi giá trị ảo của tài sản, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát, đánh giá giá trị thực chất của tài sản, dễ tạo ra sự tùy tiện trong tổ chức thực hiện và ban hành danh mục. Đồng thời, không sử dụng cụm từ "một cách đáng tin cậy" nhằm bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng. Về nội dung hành nghề dịch vụ kế toán được nêu trong dự thảo luật, các đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh), Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) đề nghị rà soát, cân nhắc các quy định liên quan điều kiện đăng ký hành nghề, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán... theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng phải bảo đảm tính chặt chẽ của luật, nhất là khắc phục tình trạng hành nghề kế toán "chui" hoặc cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán như hiện nay.

Sáng 11-6, kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước QH.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu QH liên quan đến giải pháp ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, liên kết “4 nhà” trong phát triển bền vững các loại cây công nghiệp…

Là người mở màn chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn đâu là giải pháp cho ổn định đầu ra của sản phẩm nông nghiệp? Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu thực trạng tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái; nông dân chạy theo phong trào, nên cung vượt cầu, được mùa thì rớt giá gây khó khăn cho người nông dân.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, nền nông nghiệp trong nước đang thực hiện theo cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường và phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới, mà thị trường thế giới thì luôn có sự thay đổi. “Chúng ta không thể kỳ vọng luôn có một thị trường ổn định về giá, với mức giá thu mua cao mãi được, nên cần tìm cách thích ứng với thị trường" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Cũng theo Bộ trưởng, kinh nghiệm hơn 20 năm qua cho thấy, cách tốt nhất là phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của nước ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, giá hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường thì nông sản nước ta vẫn cạnh tranh cao, bán được với giá có lợi cho nông dân. Theo Bộ trưởng, hiện tại, với những diễn biến mới, thì về cơ bản vẫn nên tiếp tục cách tiếp cận đó. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: “Nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT là tiêu thụ nông sản, cái khó nhất của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT là chế biến, giống” khi trả lời đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm về khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) và đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề về hiệu quả của việc liên kết 4 nhà trong nông nghiệp chưa thành công. "Thậm chí có chuyên gia cho rằng, chủ trương này thất bại hoặc bị lãng quên. Giải pháp đột phá của Bộ trưởng là gì?; trong 4 nhà, nhà nào là nhạc trưởng?" - đại biểu Nguyễn Văn Tuyết chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chủ trương liên kết 4 nhà được đưa ra 10 năm nay. Trên thực tế như lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, trồng mía đường… thì sự liên kết thực hiện phổ biến. Những lĩnh vực không nhất thiết cần sự liên kết với doanh nghiệp thì sự kết nối lỏng lẻo hơn. Với câu hỏi, ai là chính trong "4 nhà"?, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, đó là doanh nghiệp. Về nguyên nhân tại sao chưa thành công trong liên kết, Bộ trưởng giải thích do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, doanh nghiệp tiềm lực có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều. Khi liên kết, cơ chế khâu trung gian gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân như tổ hợp tác, HTX còn yếu. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo sâu sát, những tiêu chí đưa ra như cánh đồng lớn còn chưa cụ thể. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để phát huy hơn nữa hiệu quả liên kết "4 nhà" trong thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, cần tiếp tục khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; có những điều kiện để phát triển mạnh mẽ các tổ hợp tác, HTX hỗ trợ nông dân trong mối liên kết này. Sự sâu sát hơn của chính quyền cũng là yếu tố rất quan trọng. Việc làm giàu từ đất lúa, giữ đất lúa cũng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi với người đứng đầu ngành Nông nghiệp.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) đặt vấn đề, xuất khẩu hiện nay chủ yếu là xuất gạo thấp cấp, trung bình trong khi nhu cầu nhập khẩu lại muốn nhập loại gạo chất lượng cao nên giá gạo Việt Nam thấp nhất trên thị trường. “Có ý nghĩa gì khi đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo nhưng nông dân vẫn nghèo? Trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp gì, bao giờ người nông dân sống và làm giàu được với nghề trồng lúa?” - đại biểu chất vấn.

Trả lời đại biểu Lê Công Đỉnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, phát triển sản xuất lúa gạo vừa để đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập. “Theo các nhà nghiên cứu thì để một hộ trồng lúa sống bằng thu nhập từ lúa phải có ít nhất 2ha, nhưng ở ta mỗi hộ trồng lúa chưa có đến nửa ha đất lúa. Ở Hậu Giang trung bình được 0,8 ha/hộ, vụ hè thu này ở Hậu Giang hiện mỗi cân lúa lãi được 1.000 đồng, dù năng suất cao hơn năm ngoái nhưng tính ra chỉ được 5 triệu đồng/hộ. Vì vậy nói làm giàu từ lúa là rất khó” - Bộ trưởng chia sẻ. Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàng (Thái Bình) nêu vấn đề, hiện nay ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Thái Bình, nông dân không thiết tha với đất lúa do hiệu quả không cao. Chính phủ đã có nghị định bảo vệ đất lúa, vậy tiêu chí như thế nào để được hỗ trợ?

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời, Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý đất lúa, trong đó đưa ra những chính sách để ngăn cản việc chuyển đổi dễ dãi từ đất lúa sang mục đích khác, nhất là mục đích phi nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, nhờ nghị định đó, từ mỗi năm chuyển 35 nghìn ha đất lúa sang mục đích khác thì nay giảm còn 10-15 nghìn ha đất chuyển đổi. “Với tôi đất lúa là di sản của dân tộc, đây là nguồn sống nên phải bảo vệ…, nhưng chúng tôi nói rõ ràng giữ đất lúa nhưng có thể trồng các cây khác có thu nhập cao hơn” - Bộ trưởng khẳng định.

Tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, chiều qua 11-6, Bộ trưởng Bộ Công thương - Vũ Huy Hoàng tập trung làm rõ các giải pháp về phát triển thị trường trong và ngoài nước, trước bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đại biểu QH cũng sẽ chất vấn người đứng đầu ngành Công thương về trách nhiệm và giải pháp xử lý trước tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Quá trình đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ giải đáp các vấn đề liên quan đến thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý Nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong khuôn khổ phiên chất vấn chiều qua, một số thành viên khác của Chính phủ như Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, Bộ trưởng Bộ TT và TT, Bộ trưởng Bộ KH và CN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ tham gia giải trình thêm những vấn đề có liên quan./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com