Dự kiến cuối năm 2013, Việt Nam sẽ có vắc-xin phòng, chống cúm A/H5N1

08:05, 06/05/2013

Ngày 4-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống cúm A/H7N9, A/H5N1, A/H1N1.

Tại buổi họp báo, ông Trần Đắc Phu - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 29-3 đến ngày 4-5, trên thế giới phát hiện 128 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 27 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và Đài Loan. Số trường hợp mắc bệnh tăng lên theo thời gian từng ngày, lan rộng ra nhiều tỉnh, phần lớn là các trường hợp bệnh nặng, bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, tỷ lệ tử vong cao (hơn 20%). Tại Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm và trên người. Đối với cúm A/H5N1, từ đầu năm đến nay có 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại tỉnh Đồng Tháp và Long An, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp. Còn với cúm A/H1N1, từ đầu năm đến nay đã có 3 trường hợp tử vong (2 trường hợp tại Yên Bái, 1 trường hợp tại Thanh Hóa).

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Đối với cúm A/H7N9, do chưa xác định rõ nguyên nhân nguồn lây bệnh nên loại cúm này rất nguy hiểm. Tuy chưa có bằng chứng cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng cũng chưa đủ bằng chứng để loại trừ khả năng đó. Một số nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc đã phát hiện thấy, sự biến đổi gien của vi-rút làm tăng khả năng lây truyền sang người và tiềm ẩn nguy cơ đại dịch. Bởi vậy, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ để có thể đưa ra những nhận định sớm nhất. Tỷ lệ tử vong ở cúm A/H7N9 rất cao và đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có vắc-xin cho loại cúm này. Bởi vậy, Bộ Y tế đã thiết lập mạng lưới thu dung điều trị bệnh cúm A/H7N9, sẵn sàng thu dung, điều trị, cách ly các trường hợp nghi ngờ và khi có bệnh nhân, chỉ đạo cấp bổ sung máy thở, phương tiện cấp cứu cho cơ sở điều trị. Tăng cường hoạt động của các đơn vị huấn luyện, điều trị tại các bệnh viện Trung ương để hỗ trợ các tuyến dưới khi có yêu cầu. Bộ cũng đã chỉ đạo rà soát cơ số thuốc kháng vi-rút Tamiflu, trang thiết bị, các dụng cụ tiêu hao để dự trù mua sắm, bổ sung và đề nghị WHO hỗ trợ thuốc Tamiflu cho công tác điều trị.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, hiện nay, cúm A/H1N1 được xếp vào “gia đình cúm mùa”. Vào thời điểm năm 2011, tỷ lệ các ca dương tính với cúm A/H1N1 là 69,9%; năm 2012 tỷ lệ này đã hạ xuống 1,3%; đến năm 2013 tỷ lệ đang dao động từ 40 đến 60%. Đây là việc phân bổ bình thường của các loại cúm mùa, vì vậy người dân không nên hoang mang. Người dân nên dự phòng cúm A/H1N1 bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và cần đi tiêm phòng vắc-xin bệnh cúm. Còn với cúm A/H5N1, tuy ít người mắc nhưng tỷ lệ tử vong rất cao. Nguồn lây nhiễm của cúm A/H5N1 là từ gia cầm sang người, bởi vậy nếu không xảy ra dịch bệnh trên gia cầm thì sẽ không xảy ra dịch bệnh trên người. Do vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là người dân cần phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế tối đa tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm hoặc chết. Khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, phải báo ngay với cơ quan thú y để có biện pháp xử lý triệt để dịch bệnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông báo một tin vui, sau 7 năm nghiên cứu, dự kiến đến cuối năm 2013, Việt Nam sẽ có vắc-xin phòng, chống cúm A/H5N1. Còn với cúm A/H7N9, chúng ta hoàn toàn có khả năng phát hiện trong thời gian sớm nhất chỉ mất từ 1 đến 2 ngày. Hiện, Bộ Y tế cũng đang xem xét để tham gia vào việc nghiên cứu điều chế vắc-xin phòng cúm A/H7N9 với WHO./.

Theo qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com